Con dâu được phen hú vía vì kể xấu mẹ chồng trên Facebook

GD&TĐ -Vợ chồng Hạnh ở cùng bố mẹ chồng. Hạnh luôn theo chủ nghĩa hiện đại, tính cách xuề xòa nên không hay để ý đến những thói quen nhỏ của bố mẹ chồng, trong khi mẹ chồng cô ngày càng thể hiện sự kỹ tính của bà. 

Con dâu được phen hú vía vì kể xấu mẹ chồng trên Facebook

Hạnh đụng tay vào việc gì bà cũng đứng kè kè phía sau, góp ý ngay lập tức. Sau nhiều lần góp ý nhưng Hạnh vẫn quên nên thi thoảng 2 mẹ con cũng có lời qua tiếng lại. Quanh quẩn trong bốn bức tường và ở cạnh mẹ chồng khó tính khiến Hạnh luôn cảm thấy bức bối, ngột ngạt. Mỗi khi chồng đi làm về Hạnh lại trút hết nỗi bực tức lên người anh. 

Lúc đầu anh còn nhượng bộ, nói mẹ lớn tuổi nên có chút khó tính, chứ thật ra mẹ rất thương con dâu… Nhưng lâu dần anh cũng chịu không nổi vì một bên là mẹ anh, bà lúc nào cũng nói Hạnh lười biếng, cẩu thả, không thương chồng, còn Hạnh lại nói mẹ chồng khó tính, độc tài... Cũng vì chuyện đó mà vợ chồng Hạnh thường xuyên cãi vã rất khổ sở.

Một hôm mẹ chồng thấy Hạnh sắm sửa váy vóc, trang điểm đi làm, bà lập tức góp ý: “Nếp nhà này từ xưa đến nay vợ mà không biết tiết kiệm chỉ có tan hoang cửa nhà thôi. Ngày trước mẹ chưa nghỉ hưu, cả năm có 3 bộ quần tây, áo sơ mi là nhiều lắm rồi”. Không sáng nào Hạnh được yên thân, cứ bước xuống cầu thang là mẹ chồng lại soi cô từ đầu đến chân. Hôm nào thấy Hạnh mặc váy, bà sa sầm mặt, chê đồ hở hang trong khi bộ váy nào của cô cũng dài qua gối kèm áo sơ mi công sở lịch sự.

Một ngày làm việc của Hạnh thường kết thúc vào lúc 7 giờ tối. Hai vợ chồng về nhà ăn cơm và cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Hạnh rửa bát thì chồng giặt quần áo và lau nhà… Hai vợ chồng san sẻ việc nhà để có thời gian nghỉ ngơi cho cả hai. Nhưng mẹ chồng cứ ra lườm vào nguýt rồi nói mỉa: "Thời của mẹ, những việc trong gia đình thế này, mẹ phải tự làm hết, không bao giờ dám nhờ đến chồng. Phụ nữ thời nay khác quá".

Biết mẹ chồng kỹ tính, khi nhà có giỗ, Hạnh dậy từ sớm, cẩn thận làm cơm theo đúng phong tục truyền thống. Vậy mà mẹ chồng vẫn ỉ ôi chê: "Mâm cơm cúng bao giờ cũng phải đủ 8 đĩa 5 bát, đằng này có mấy món lèo tèo, làm cơm cúng tổ tiên theo kiểu lấy lệ". Không cãi được mẹ chồng, Hạnh ấm ức, gục vào vai chồng, khóc: "Mẹ anh kỹ tính quá thể, em phải làm thế nào bà mới hài lòng?".

Hạnh biết cô lại đưa chồng vào vị trí khó xử, anh chẳng thể nghiêng hẳn về phía cô được, những câu dỗ dành của anh chỉ mang tính chất an ủi tạm thời, thậm chí không thật lòng. Nghĩ vậy nên dần dần Hạnh cũng bớt càu nhàu với anh về chuyện mẹ chồng. 

Nhưng “cuộc chiến” mẹ chồng – nàng dâu vẫn diễn ra hàng ngày với những chuyện hết sức nhỏ nhặt. Thấy Hạnh cho cà chua vào máy ép, mẹ chồng lại bắt cô luộc cà chua rồi ép bằng tay, bà bảo: “Cà chua phải ăn chín và ép bằng tay mới đảm bảo”. 

Ngày cuối tuần, Hạnh đã “lên đồ” và trang điểm kỹ càng để chuẩn bị đi chơi với mấy cô bạn thì mẹ chồng lại thủng thẳng: “Con ơi, mẻ cá rô tươi mẹ để dưới bếp, con mổ rồi rán giòn cho mẹ”. Làm cá vừa tanh vừa bẩn, sau khi đánh vật với chúng xong, cả người Hạnh đẫm mùi cá, bạn bè réo điện thoại inh ỏi, Hạnh chán nản: “Tôi xin lỗi nhé, hôm nay nhà chồng có việc bận đột xuất, chúc các bà đi chơi vui vẻ”.

Chẳng biết trút cơn tức lên ai, sẵn có khiếu viết lách, Hạnh quyết định lên Facebook “kể” cho hả dạ. Những dòng status “hấp dẫn” của Hạnh thu hút được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè, đặc biệt là hội chị em, ai cũng hùa vào “cảm thông” và an ủi cô, họ cũng thi nhau kể xấu mẹ chồng bằng những dòng comment nóng ngùn ngụt. 

Không lâu sau, Facebook của Hạnh dần chuyển thành diễn đàn kể xấu mẹ chồng. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi chồng Hạnh vô tình đọc được dòng chia sẻ đó. Vô cùng tức giận, ngay lập tức anh yêu cầu Hạnh gỡ bỏ ngay những dòng chia sẻ đó vì đó là nói xấu nhà chồng, rêu rao việc nhà trên mạng. 

Anh đã mất cả buổi tối để giảng giải cho Hạnh hiểu tác hại của những dòng status mang tính chất tiêu cực ấy: “Em ơi, em làm thế chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng. Em có thể tâm sự với anh, nếu chưa cảm thấy đủ, em có thể kể với mẹ em nữa cơ mà, anh tin, với kinh nghiệm của mình, mẹ sẽ cho em những lời khuyên quý báu. Về phía mẹ anh, sự kỹ tính của bà đôi khi làm những người xung quanh cảm thấy phiền phức, khó chịu, nhưng bà không có ý xấu, cứ ở với mẹ lâu, em sẽ cảm nhận được tình cảm thực sự của bà mà thôi…”.

Giờ nghĩ lại, Hạnh thấy mình quá may vì đã “tỉnh” kịp thời, chứ nếu chuyện đến tai mẹ chồng thì mâu thuẫn không biết khi nào mới hết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.