Chuyện "hậu trường" ít biết về những vai diễn để đời của NSND Thế Anh

Phía sau những vai diễn để đời của NSND Thế Anh là những câu chuyện hậu trường đầy thú vị. Những câu chuyện ấy cho thấy rõ hơn sự vất vả và khó khăn mà người nghệ sĩ đã trải qua để làm nên thành công.

NSND Thế Anh từng được khán giả cả nước nhớ đến như là một “hoàng tử” vừa đẹp trai, vừa tài năng.
NSND Thế Anh từng được khán giả cả nước nhớ đến như là một “hoàng tử” vừa đẹp trai, vừa tài năng.

Nghệ sĩ Thế Anh trúng tuyển lớp diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên của trường Nghệ thuật Sân khấu.

Ông học cùng khóa với các nghệ sĩ: Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Sau khi tốt nghiệp loại Ưu, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương, nay là Nhà hát Kịch Việt Nam.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, NSND Thế Anh được khán giả cả nước nhớ đến như là một “hoàng tử” vừa đẹp trai, vừa tài năng, luôn cống hiến hết mình cho những vai diễn trên sân khấu và trong điện ảnh.

Tại lễ trao giải Cánh diều 2014, NSND Thế Anh đã được vinh danh thành tựu vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam với những cống hiến xuất sắc.

Lúc sinh thời, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã nhận xét về nam nghệ sĩ: “Người xem thấy ở diễn xuất của Thế Anh những cảm xúc sống thực, liên tục, không bị hẫng, không bị so lệch. Dù là ở trong những trường quay chật hẹp, đông đúc, dù ở giữa rừng hay giữa phố, Thế Anh vẫn làm chủ được...”.

Trung úy Phương - phim “Nổi gió”

Nhắc đến NSND Thế Anh trước hết phải nhắc đến vai Trung úy Phương trong phim nhựa “Nổi gió”. Theo lời ông kể, ông là người thứ 13 được đạo diễn Huy Thành lựa chọn để thử sức với vai diễn này. Trước đó, đã có 12 người đến ướm vai nhưng chưa ai khiến đạo diễn ưng ý.

Để chuẩn bị cho lần thử vai này, ông tìm lên tận Đà Lạt để tìm hiểu về hình tượng nhân vật mình thử vai. Ông tất tả quan sát và lắng nghe để rồi khi trở về mặc quân phục, bước vào trường quay, mọi người đều gật gù “Trung úy Phương đây rồi!”.

Chuyện "hậu trường" ít biết về những vai diễn để đời của NSND Thế Anh ảnh 1

Vai Trung úy Phương trong phim "Nổi gió" đã đưa tên tuổi của NSND Thế Anh bật lên thành ngôi sao sáng chói.

Nhờ kinh nghiệm khi tham gia sân khấu kịch, nam nghệ sĩ đã mang tới hình ảnh một Trung úy Phương đầy mâu thuẫn, người có nội tâm giằng xé khi phải chọn lựa giữa chị gái và nơi mình đang công tác. Ngày ấy, hình ảnh anh chàng Trung úy điển trai, yêu nước đã “đánh cắp” trái tim của nhiều cô gái.

Những phân cảnh nội tâm của nhân vật cũng được nam nghệ sĩ lột tả xuất sắc khiến ai xem một lần cũng nhớ đến ông. Sau này, dù ông đóng nhiều vai diễn và đều thành công nhưng người ta vẫn nhắc đến Trung úy Phương mỗi khi nói về ông.

Ông từng kể, năm đoàn phim quay bộ phim này, chiến trường miền Nam đang vô cùng khốc liệt. Để có địa điểm quay an toàn, đoàn phim đã dựng phim trường ở Hải Phòng.

May mắn nơi đây tập trung nhiều người miền Nam di cư nên có bối cảnh đậm chất Nam bộ với những con rạch, hàng dừa nước. Đạo diễn đã xin UBND xã tổng động viên bà con đóng vai quần chúng nên phim cũng ngập sắc Nam Bộ.

Trong một đại cảnh, đoàn vừa chuẩn bị bấm máy thì máy bay địch tới. Cả đoàn phải chui xuống hầm tránh bom. Máy bay đi, mọi người lại nhộn nhịp lên quay hình. Ông cũng nhớ cảnh quay cuối của phim, đoàn phải vạ vật chờ 1 tháng mới xong. Chỉ vì đạo diễn Huy Thành yêu cầu phải… chờ ngày nắng chói chang, ánh nắng “nhảy múa” mới cho bấm máy.

Ba Duy phim “Mối tình đầu”

Sau phim nhựa “Nổi gió”, nghệ sĩ Thế Anh bật lên thành một ngôi sao sáng chói. Ông thâu tóm tất cả các vai chính trong các bộ phim tiếp theo. Đáng chú ý trong đó có “Mối tình đầu”, được quay ngay sau 1 năm Giải phóng Sài Gòn.

Chuyện "hậu trường" ít biết về những vai diễn để đời của NSND Thế Anh ảnh 2

Với vai Ba Duy trong phim "Mối tình đầu", NSND Thế Anh đã giành giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980

Khi đảm nhận vai này, nam nghệ sĩ đã 40 tuổi nhưng bằng tài năng tuổi tác không thể làm khó được ông. Ông đã hoàn toàn thuyết phục khán giả khi hóa thân thành chàng sinh viên tuổi đôi mươi, yếu đuối, bạc nhược, không đủ sức giành lại người yêu trong tay người đàn ông ngoại kiều. 

Nam nghệ sĩ tiết lộ, Sài Gòn năm 1976 vẫn giữ nguyên nếp sống, đồ đạc và văn hóa trước giải phóng nên đạo diễn Hải Ninh đã tức tốc huy động đoàn vào đây quay để có những khung cảnh thật nhất. Năm ấy, ông bị nhiều người phản đối khi vào vai Ba Duy - một thanh niên bụi đời, nghiện ma túy bởi ông là người miền Bắc, không hiểu nhiều về đời sống người miền Nam.

Để bác những lời dị nghị này, ông tập đi xe máy và xin vào trại cải tạo sống chung với những người nghiện ma túy để quan sát họ. Ông còn dùng màu vẽ hình xăm khắp cơ thể cho giống một người nghiện, đến mức vào chợ Bến Thành mà bà con tiểu thương phải kêu lên: “Con ơi, con đẹp trai thế này mà bị nghiện ngập, tội nghiệp quá đi!”. Kết quả, ông đã thuyết phục khán giả khi thể hiện xuất sắc vai Ba Duy, nhất là những phân đoạn bị “phê” thuốc.

“Mối tình đầu” sau đó giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế và mang về cho nam nghệ sĩ giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980.

Những dấu ấn riêng trên “thánh đường” nghệ thuật

Nói đến Thế Anh là nói đến những vai diễn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Thành công đó có được là nhờ sự lao động nghệ thuật nghiêm túc.

Lối diễn của ông rất chủ động, tự tin, các thủ pháp xử lý hình thể và điều khiển nét mặt đều được anh vận dụng triệt để.

Chuyện "hậu trường" ít biết về những vai diễn để đời của NSND Thế Anh ảnh 3

NSND Thế Anh trong vai Chúa Trịnh Sâm phim "Đêm hội Long Trì".

Bởi lẽ đó mà bất kỳ vai diễn nào ông cũng để lại dấu ấn rất riêng. Ngoài hai vai diễn để đời kể trên, nam nghệ sĩ từng đóng: Đường về quê mẹ, Không nơi ẩn nấp, Ngày lễ Thánh, Tự thú trước bình minh, Đêm hội Long Trì, Em bé Hà Nội...

Trong đó, vai Chúa Trịnh Sâm trong phim “Đêm hội Long Trì” cũng là vai mà lúc sinh thời nam nghệ sĩ rất tâm đắc. Đây là phim thuộc thể loại dã sử - cổ trang ấn tượng của điện ảnh Việt Nam. Trong phim này, ông được đóng cùng hai người đẹp của làng điện ảnh phía Bắc bấy giờ là nghệ sĩ Lê Vân và Thu Hà.

Có cảnh quay nhân vật quận chúa Quỳnh Hoa do Thu Hà đóng qua đời, ông phải bồng con gái đi một đoạn dài. Nhưng vì con gái quá nặng cân nên sau khi quay cảnh đó xong về ông bị đau cả lưng cả tháng mới khỏi.

Ở vai diễn Chúa Trịnh Sâm, điều khiến ông nhớ mãi đó là dù mưu mô, toan tính… nhưng ông vẫn rất yêu thương con gái mình. Những giằng xé nội tâm của nhân vật này đã mang đến cho ông nhiều thử thách.

Với NSND Thế Anh, dù vào vai anh hùng hay gian hùng đều cần tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của diễn viên. Khi đóng phim “Đường về quê mẹ”, ông đã đến tận nhà Anh hùng Bùi Ngọc Dương - sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội và là nguyên mẫu của nhân vật Dư để xin được thắp hương và mượn toàn bộ thư từ, tài liệu liên quan đến anh để tìm hiểu cuộc đời, cá tính của nhân vật.

Sự nghiên cứu, học hỏi, lao động quên mình cùng trải nghiệm từ 2 năm quân ngũ đã cho ông có được một vai diễn như ý. Sáu tháng đóng phim “Đường về quê mẹ” ở vùng núi Hòa Bình, ông phải vừa tập diễn xuất, vừa đeo súng AK bên người để sẵn sàng chiến đấu.

Khi quay, công binh phải dùng 2 tấn thuốc nổ để tạo cảnh chiến trường bị bom B52 tàn phá. Trong khi lửa đang rừng rực cháy, ông đã lao vào để có được những cảnh quay ấn tượng. Cũng vì thế, ông đã bị cháy sém cả tóc, cả áo quần vì gió thổi ngược.

Không chỉ khẳng định tài năng trong điện ảnh, NSND Thế Anh cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt với hàng loạt vai chính diễn lẫn phản diện trên sân khấu như: Nila - Cô bé đánh trống trận, Đôi mắt, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Anh Trỗi, Âm mưu và tình yêu, Hoa anh túc, Khúc thứ ba bi tráng, Vụ án Eroxtrat, Othello...

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.