Gia đình đọc sách: Kết nối yêu thương

GD&TĐ - Có rất nhiều cách khuyến đọc được triển khai, từ việc tuyên truyền giá trị của sách, lập tủ sách, nhiều địa phương còn có hội chợ sách, tặng sách…

Theo nhà văn Nguyễn Bích Lan, cách tốt nhất giúp trẻ ham mê đọc sách là cha mẹ đọc sách để làm gương. Ảnh minh họa
Theo nhà văn Nguyễn Bích Lan, cách tốt nhất giúp trẻ ham mê đọc sách là cha mẹ đọc sách để làm gương. Ảnh minh họa

Văn hóa đọc không chỉ trực tiếp thể hiện trình độ dân trí nền tảng cơ bản của một quốc gia, mà còn mang ý nghĩa to lớn về tầm hiểu biết của con người trong thời đại hội nhập.

Cuộc thi khuyến khích văn hóa đọc

Đó là một trong những lý do cơ bản để Hà Nội tổ chức cuộc thi “Gia đình đọc sách – Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” năm 2024. Cuộc thi vừa được phát động với mục đích lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong mỗi gia đình, cộng đồng, hướng tới xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cuộc thi được tổ chức căn cứ theo Công văn số 2733/BVHTTDL-TV ngày 28/6/2024 của Bộ VH,TT&DL về việc phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương”; thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, cùng kế hoạch của UBND TP Hà Nội.

Ngoài mục đích lan tỏa và phát triển văn hóa đọc, cuộc thi còn giới thiệu mô hình tủ sách gia đình, khuyến khích tham gia xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, nhằm duy trì bền vững thói quen đọc sách, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, kích thích tinh thần tự đọc, tự học trong mỗi gia đình.

Vận động và phát động phong trào tạo lập tủ sách gia đình. Biểu dương, tôn vinh, ghi nhận các gia đình, dòng họ và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo…

Đối tượng tham gia cuộc thi là các thành viên trong gia đình, khuyến khích nhiều thế hệ trong gia đình cùng tham gia. Theo đó, hình thức dự thi bằng cách xây dựng video clip, thời lượng chương trình 10 phút, có thể sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo và đảm bảo về chất lượng hình ảnh, âm thanh; được lưu bằng định dạng phổ biến mp4, avi, mpeg, mkv, klv… phù hợp với việc đăng tải trên YouTube.

Nội dung thi gồm 3 phần: Phần 1 là màn chào hỏi (2 phút), giới thiệu từng thành viên trong gia đình, những hoạt động tiêu biểu về việc đọc sách trong gia đình, có thể lựa chọn một trong những hình thức nghệ thuật như thơ ca, hò vè…

Phần 2 giới thiệu về tủ sách gia đình (4 phút), quay hình ảnh tủ sách gia đình và các hoạt động đọc sách của các thành viên; thuyết trình về việc xây dựng tủ sách gia đình nhằm lan tỏa, phát triển văn hóa đọc và gắn kết các thế hệ trong gia đình.

Phần 3 tuyên truyền giới thiệu sách (4 phút), giới thiệu về 1 tác phẩm trong tủ sách gia đình đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất.

Từ ngày 15/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai kế hoạch tới các quận, huyện, thị xã. Cấp huyện sẽ triển khai tổ chức đến cơ sở và chọn 3 - 5 video clip chất lượng tham gia cuộc thi cấp thành phố. Từ ngày 10 - 20/9, ban tổ chức nhận video clip dự thi cấp thành phố tại Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội), địa chỉ email: tvhnphongtrao@gmail.com.

Cha mẹ là tấm gương khuyến đọc tốt nhất

Cho đến nay, có rất nhiều cách khuyến đọc được triển khai, từ việc tuyên truyền giá trị của sách, lập tủ sách, nhiều địa phương còn có hội chợ sách, tặng sách… Chính phủ cũng ban hành quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách và Văn hóa đọc”. Tuy nhiên, tình trạng lười đọc ở người Việt vẫn không giảm, vậy cách nào để người Việt chăm đọc hơn? Cách khuyến đọc nào để người Việt thực sự nhận ra giá trị của văn hóa đọc?

Là một dịch giả, tác giả của nhiều đầu sách thú vị và là diễn giả khuyến đọc nổi tiếng – nhà văn Nguyễn Bích Lan cho rằng, tỉ lệ người Việt đọc sách quá thấp, nhưng thay vì phàn nàn và chán nản thì chúng tôi luôn tự hành động, mỗi người khuyến đọc theo cách của mình.

“Việc bán sách bận như nuôi con mọn nhưng ngày nào tôi cũng biết chắc rằng, mình khiến cho một ai đó đọc sách. Có tháng tôi có tới 200 độc giả mới. Và bạn tôi, một kỹ sư xây dựng cũng có gia đình, có con nhỏ như ai nhưng sáng nào cậu ấy cũng đến trường của con mình đọc sách cùng con, cho tới khi các phụ huynh khác cùng cậu ấy xây dựng được một tủ sách trong lớp học cho các bé mới thôi”, nhà văn Nguyễn Bích Lan chia sẻ.

Không có cách khuyến đọc nào là chuẩn mực, là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Bích Lan, thì cách tốt nhất để giáo dục trẻ là cha mẹ tự giáo dục mình để con nhìn vào và noi theo: “Nếu trẻ chưa thích sách thì chúng ta càng phải tích cực khuyến đọc để các con có thú tiêu khiển lành mạnh, có thói quen đọc sách mang lại lợi ích cho các con suốt đời. Nếu các con bận học quá, chúng ta càng nên giới thiệu những cuốn sách hay, đặc biệt là sách văn học, để trẻ cân bằng về tinh thần, thư giãn một cách dễ chịu”.

Trong công tác khuyến đọc, nhà văn Nguyễn Bích Lan đã đến nhiều địa phương, nhiều trường học, chứng kiến nhiều hoạt động bổ ích. “Tôi vô cùng cảm ơn những thầy, cô giáo đã gieo sự đọc cho các em nhỏ, một việc mà các thầy cô không bắt buộc phải làm hoặc có thể tặc lưỡi bỏ qua khi nghề giáo có quá nhiều việc không tên. Nhưng đó là việc mang lại lợi ích lâu dài cho các con, cho xã hội nên những thầy cô có tầm nhìn xa vẫn cố gắng làm”, nhà văn Nguyễn Bích Lan cho hay.

Vì vậy, khuyến đọc theo cách nào, thậm chí theo phong trào thì vẫn cần thiết để xã hội nhận thức về giá trị của sách. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, gia đình là nền tảng, là môi trường tốt nhất gieo tình yêu sách đối với trẻ nhỏ.

Để rồi sau này, khi các em trưởng thành, tình yêu sách lại tiếp tục bồi đắp cho thế hệ sau. Bởi vậy, tủ sách gia đình – tủ sách dòng họ không chỉ để gắn kết yêu thương, mà còn tạo nên truyền thống học hỏi, nâng cao và nâng tầm văn hóa đọc cho cả xã hội.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ban tổ chức sẽ nhận video clip dự thi của các quận, huyện, thị xã từ ngày 10 – 20/9, và dự kiến tổng kết trao giải thưởng vào ngày 5/10. Cuộc thi sẽ trao 30 giải thưởng, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba, 20 giải Khuyến khích. Các gia đình đoạt giải tại cuộc thi cấp thành phố được tặng Giấy khen kèm tiền thưởng theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...