Giả danh công ty luật ở Huế lừa đảo người dân muốn thuê đòi tiền

GD&TĐ - Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) cảnh báo việc kẻ xấu mạo danh công ty luật để 'đòi' lại tiền cho nạn nhân bị lừa đảo.

Chị M. đến trình báo Công an về việc bị những người mạo danh công ty luật lừa đảo. Ảnh: CACC
Chị M. đến trình báo Công an về việc bị những người mạo danh công ty luật lừa đảo. Ảnh: CACC

Xuất hiện nhiều thủ đoạn mới

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau. Hiện nay, xuất hiện thủ đoạn là công ty tư vấn luật hỗ trợ lấy lại tiền cho nạn nhân bị lừa đảo.

Gần đây, xuất hiện nhiều trang Facebook quảng cáo với nội dung hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo trên các sàn điện tử, vay online... Đây là thủ đoạn lừa đảo mới, nếu người dân không cảnh giác sẽ tiếp tục bị sập bẫy.

Chị Phan Thị M. (SN 1973, trú tại phường Vỹ Dạ, TP Huế) đến trình báo đăng ký cho con thi IELTS qua mạng Internet (là một hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh qua cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết - PV) thì bị kẻ xấu dùng nhiều chiêu trò lừa đảo với số tiền hơn 90 triệu đồng.

Xuất phát từ nhu cầu lấy lại số tiền bị lừa đảo trên và thông qua Facebook chị M. nhận được một trang quảng cáo “Công ty luật hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, bị treo”.

Chị M. đã nhờ công ty này giúp lấy lại số tiền bị lừa đảo. Sau đó, công ty này đưa ra những lời hứa hẹn chắc chắn sẽ lấy lại được số tiền bị lừa đảo, vì vậy chị M. nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của nhóm người thuộc công ty trên và tiếp tục bị lừa đảo thêm gần 25 triệu đồng.

“Họ nói là luật sư và từng giúp nhiều người lấy lại tiền rồi. Họ đưa vào nhóm Zalo, tôi thấy có những người mất hàng trăm triệu vẫn lấy lại được, có người 110 triệu đồng, 90 triệu đồng… Tôi điện cho họ thì họ nói lấy lại được rồi, nhưng thật ra là ảo hết. Họ tạo ra một nhóm rồi đánh lừa tôi”, chị M. kể lại.

Cũng thủ đoạn này, ngày 6/11/2023, chị Đinh Thị D. (trú tại phường Kim Long) bị nhóm kẻ xấu lừa 16 triệu đồng; ngày 8/11/2023, anh Hồ Mộng Tú (trú tại huyện Phú Vang) trình báo bị lừa gần 9 triệu đồng; anh Nguyễn Thanh H. (trú tại phường Phú Thượng) bị lừa 59 triệu đồng...

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Huế) cho biết, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng diễn ra hết sức phức tạp và tinh vi. Trong đó, có thủ đoạn là lợi dụng tâm lý hoang mang của người bị lừa, sau đó kẻ gian tiếp tục giả mạo những cá nhân, tổ chức có uy tín để tiếp tục lừa đảo.

“Những kẻ xấu thường tạo lập các trang web, các trang mạng xã hội rồi mạo danh các cá nhân, tổ chức có uy tín như văn phòng luật sư, ngân hàng, cơ quan Nhà nước với lời quảng cáo có khả năng hỗ trợ bị hại lấy lại được tiền bị lừa. Thông qua kênh thông tin này, những người lừa đảo sẽ tiếp cận bị hại bằng kỹ thuật thao túng tâm lý làm bị hại tin tưởng có thể lấy lại được tiền và tiếp tục nộp tiền”, Trung tá Lê Ngọc Minh cho hay.

Để tạo lòng tin, những người lừa đảo đưa bị hại vào các nhóm trên mạng xã hội, tạo Zalo, Facebook giả danh… sau đó cung cấp hình chụp thẻ luật sư trước để bị hại tin tưởng. Ảnh: CACC

Để tạo lòng tin, những người lừa đảo đưa bị hại vào các nhóm trên mạng xã hội, tạo Zalo, Facebook giả danh… sau đó cung cấp hình chụp thẻ luật sư trước để bị hại tin tưởng. Ảnh: CACC

Nêu cao tinh thần cảnh giác

Năm 2023, Công an TP Huế tiếp nhận hàng trăm đơn trình báo của bị hại liên quan đến tội phạm công nghệ cao, các nhóm kẻ xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại.

Điển hình như vào tháng 3/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Nhật Tân (SN 2001, trú tại tỉnh Quảng Trị; tạm trú tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, đầu tháng 2/2023, Tân qua tìm hiểu trên mạng và tự tạo đường link bình chọn ảnh cuộc thi siêu mẫu nhí với mục đích chiếm đoạt thông tin Facebook cá nhân của những người tham gia bình chọn.

Sau khi có được Facebook, Tân nhắn tin đến các người thân của bị hại để mượn tiền, sau đó chiếm đoạt để tiêu xài. Để che mắt cơ quan chức năng, Tân đã lên mạng tìm kiếm các trang mua bán tài khoản ngân hàng, sau đó đặt mua tài khoản số 027***71 tại một ngân hàng với giá 800 nghìn đồng để thực hiện chuyển tiền.

Thực hiện thủ đoạn trên, ngày 25/2, Tân đã chiếm đoạt tài khoản Facebook của chị N.T.D.H. (SN 1992, trú TP Huế), sau đó liên lạc cho nhiều người thân của chị H. để mượn tiền. Các bị hại tin tưởng là thật và đã có 8 người chuyển tiền theo yêu cầu của Tân với số tiền lên đến 73 triệu đồng.

Hay một vụ việc khác cũng đã được Cơ quan CSĐT Công an TP Huế ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam vào cuối năm 2023 đối với một thanh niên vì có hành vi kêu gọi từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, khoảng cuối tháng 11/2022, Ngô Quốc Trí (29 tuổi, trú tại phường Đúc, TP Huế) biết gia đình bà P.T.T. (62 tuổi, trú phường Hương Sơ, TP Huế) có người thân qua đời, hoàn cảnh khó khăn, Trí lấy thông tin đăng lên mạng xã hội kêu gọi từ thiện, với danh nghĩa trưởng nhóm “Những trái tim kết nối thiện nguyện thanh niên 3 - 9”.

Trong khoảng thời gian từ 30/11 - 7/12/2022, Trí đã kêu gọi và nhận được tiền của nhiều người với tổng số tiền 8,1 triệu đồng. Trong đó, có một nhà hảo tâm ủng hộ từ thiện cho gia đình bà T. với số tiền 3,9 triệu đồng.

Tuy nhiên, Trí đã không mang tiền của các nhà hảo tâm đến giúp đỡ gia đình bà T. mà đã sử dụng để tiêu xài cá nhân.

Ngoài các thủ đoạn trên, một số thủ đoạn khác mà nhiều người cũng bị lừa đảo như giả danh nhân viên ngân hàng mở thẻ tín dụng, tuyển cộng tác viên bán hàng cho Shopee, Lazada, Tiki, hack Facebook, Zalo nhắn tin, gọi điện thoại nhờ chuyển tiền vào tài khoản, giả danh cán bộ cơ quan chức năng như: Công an, Viện Kiểm sát...

Công an TP Huế cũng đề nghị người dân hết sức nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.