Trên mặt trận chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã thực hiện bất cứ điều gì có thể để trấn an thị trường tài chính, trong bối cảnh đại dịch bùng phát.
Vào tháng 12/2020, tổng tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đứng ở mức đáng kinh ngạc: 28,6 nghìn tỷ USD.
Tương tự, chính phủ các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến đã theo đuổi những chính sách tài khóa tích cực, loại bỏ hạn chế chi tiêu nhằm cung cấp hỗ trợ rộng rãi và không phân biệt đối với những người xứng đáng.
Nhiều biện pháp khẩn cấp được cho là cần thiết. Tuy nhiên, khi các nhà hoạch định chính sách nhận thấy khả năng phục hồi trong giai đoạn 2021 - 2022, rất có thể, họ cần cảnh giác về mặt trái của việc kích thích tài chính và tiền tệ kéo dài.
Mỹ và các quốc gia phát triển khác phải đối mặt với một số rủi ro khi nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Không ít chuyên gia nghi ngờ rằng, sự bùng nổ cổ phiếu hiện tại có thể được duy trì, nếu các nhà hoạch định chính sách rút lại biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa.
Rủi ro khác liên quan đến các công ty. Tới nay, mức độ hỗ trợ của nhà nước đã giúp tỷ lệ đóng cửa doanh nghiệp và phá sản thấp hơn mức bình thường ở hầu hết nền kinh tế tiên tiến.
Song, những công ty gặp khó khăn hiện được “nuôi dưỡng” bởi sự lớn mạnh của chính phủ sẽ không thể bền vững trong nền kinh tế hậu đại dịch. Không ít ý kiến nhận định, các nhà hoạch định chính sách cần cho phép những doanh nghiệp như vậy phá sản, chuyển nhượng hoặc đóng cửa.
Khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý có thể sẽ không đủ khả năng giảm thiểu những rủi ro mới đối với thị trường tài chính và công nghệ. Hoặc, họ có xu hướng nới lỏng cảnh giác trong nhiều lĩnh vực.
Và, rủi ro lớn khác là nguy cơ Covid-19 tái bùng phát. Nếu không xây dựng nguồn lực và nền kinh tế đủ khả năng chống chọi với đại dịch, nguy cơ ở các nhóm chưa được tiêm chủng là vô cùng cao.
Tiêm vắc-xin cho thế giới để ngăn chặn viễn cảnh này sẽ tiêu tốn khoảng 38 tỷ USD - một mức giá được coi là “không thấm vào đâu” để đổi lại sự phục hồi mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu. Không ít người kêu gọi những quốc gia phát triển cung cấp hỗ trợ tài chính và ngừng tích trữ vắc-xin ngừa Covid-19.
Có lẽ, trước những rủi ro này, nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế tiên tiến phải lưu ý đến tác dụng phụ của một số biện pháp tài chính và tiền tệ.
Nhiệm vụ của các quốc gia chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn, nếu G20 không cam kết đưa ra nguồn lực cần thiết nhằm hỗ trợ việc tiêm chủng Covid-19 trên thế giới.