|
Quang cảnh cuộc gặp mặt |
GD&TĐ - Trong chuyến làm việc tại Campuchia, Chủ tịch SEAMEO Phạm Vũ Luận đã thăm và làm việc với Trường Đại học Hoàng gia Phnompenh - thành viên của SEAMEO.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch SEAMEO Phạm Vũ Luận chia sẻ niềm vui với vị Hiệu trưởng trẻ nhất trong lịch sử ngôi trường đại học lâu đời nhất đất nước Chùa Tháp - TS Chet Chealy - vừa được bổ nhiệm cách đây 10 ngày.
TS Chet Chealy cho biết: Đại học Hoàng gia Phnompenh (RUPP) là trường đại học xưa nhất và lớn nhất của Campuchia. Trường được thành lập năm 1960. Trường hiện có hơn 5.000 sinh viên và 3 khu trường sở, có các Khoa: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học, Viện Ngoại ngữ, 2 Trung tâm Hợp tác quốc tế. Trường có khoảng 800 giảng viên, cán bộ công nhân viên hành chính.
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gặp mặt các lưu học sinh học tập tại Trường và thăm một số cơ sở của Trường |
Hiện tại, trường có 111 lưu học sinh Việt Nam theo học, trong đó có 34 lưu học sinh mới sang học năm 2013.
Đáp lại mong muốn được học tập kinh nghiệm từ Việt Nam và từ chính người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam của TS Chet Chealy, GS.TS Phạm Vũ Luận tâm sự: Ông trở thành Bộ trưởng từ vị trí một cán bộ giảng dạy đại học, nhưng hai cương vị mà ông tâm đắc nhất chính là Trưởng Bộ môn và Hiệu trưởng. Bộ trưởng chúc Trường Đại học Hoàng gia Phnompenh đạt được những thành tích mới dưới sự lãnh đạo của TS Chet Chaly.
Với cương vị Chủ tịch SEAMEO, Bộ trưởng đang cố gắng bàn bạc với các Bộ trưởng khác để nâng cao chất lượng đào tạo, phân bố ngành học hợp lý hướng tới thị trường lao động trong toàn khối ASEAN, đổi mới quản lý giáo dục đại học, công nhận bằng cấp giữa các nước…
Được biết, Trường Đại học Hoàng gia Phnompenh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước Campuchia nên cần tích cực tham gia các hoạt động của SEAMEO, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ, nền giáo dục hai nước có những nét tương đồng. Ví dụ như sự phát triển của các đại học tư thục, việc giải “bài toán” số lượng trường đại học với chất lượng sinh viên ra trường, mặt trái của kinh tế thị trường tác động tới giáo dục nói chung và giáo dục ngoài công lập nói riêng…
Để khắc phục những thách thức đó, trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số cơ quan khác soạn thảo có việc giao nhiều hơn quyền tự chủ cho các trường đại học.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị lãnh đạo Trường Đại học Hoàng gia Phnompenh quan tâm tới lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại trường, thương yêu các em nhưng cũng cần yêu cầu cao, nghiêm khắc trong việc giáo dục các em.
Cùng tham gia các hoạt động với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có TS Im Koch - Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Campuchia và TS Tinsiri Siribody - Phó Tổng thư ký SEAMEO.