Gen Z sáng tạo nghệ thuật từ vải vụn

GD&TĐ - Triển lãm 'Lớp lớp Hà Nội' gồm những bức tranh thể hiện góc nhìn đa chiều về nét đẹp Hà Nội, được khắc họa tỉ mỉ bởi thế hệ họa sĩ trẻ Gen Z.

Dưới sự hướng dẫn của giám tuyển, các họa sĩ trẻ đã hoàn thành các tác phẩm từ vải vụn.
Dưới sự hướng dẫn của giám tuyển, các họa sĩ trẻ đã hoàn thành các tác phẩm từ vải vụn.

Triển lãm “Lớp lớp Hà Nội” gồm những bức tranh thể hiện góc nhìn đa chiều đầy tính nghệ thuật về nét đẹp Hà Nội, được khắc họa tỉ mỉ bởi thế hệ họa sĩ trẻ Gen Z.

Nghệ thuật từ vải vụn

“Lớp lớp Hà Nội” trưng bày trên 50 tác phẩm của 39 họa sĩ trẻ tại Nhà triển lãm Mỹ thuật Ngô Quyền (Hà Nội) kể về hành trình khám phá không chỉ vẻ đẹp mỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc của những tác phẩm được vẽ trên toan vải tái chế. Với mục tiêu hướng tới nghệ thuật xanh và bền vững qua những tác phẩm độc đáo, triển lãm mở ra cơ hội lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường cũng như vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội.

Họa sĩ Vũ Tuấn Việt - cố vấn chuyên môn kiêm giám tuyển giai đoạn sau của triển lãm “Lớp lớp Hà Nội” cho biết, lấy cảm hứng chính từ sự đa dạng và phong phú của Hà Nội, từ kiến trúc, lịch sử đến cuộc sống hiện đại - triển lãm là một chủ đề đặc biệt được thể hiện thông qua những góc nhìn nghệ thuật đa chiều về vẻ đẹp của vùng đất nghìn năm văn hiến.

Những gợi mở đan xen giữa chất xưa và nay của Hà Nội được cảm nhận và biểu hiện thông qua chất liệu quen thuộc mà xa lạ - vải vụn tái chế. Triển lãm là kết quả của chuỗi những tìm tòi, quan tâm đến khả năng chuyển biến chất liệu trong thực hành nghệ thuật từ Dự án 4V Việt Nam, được tổ chức bởi nhóm sinh viên đến từ các trường đại học tại Hà Nội.

Với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống xanh không rác thải, thông qua việc tái chế 100kg vải vụn, vải thừa từ các nhà may tư nhân nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội - Dự án 4V Việt Nam đã xuất sắc dành được vị trí Quán quân tại chương trình ASEAN Social Impact Program 2023.

Việc thu thập hơn 100kg vải bỏ đi, thay vì bị đốt bỏ họa sĩ trẻ đã biến chúng trở nên hữu ích, lưu giữ những hình hài văn hóa thông qua những miếng vải bỏ đi đó. Những bức tranh thể hiện góc nhìn đa chiều thú vị và đầy tính nghệ thuật về nét đẹp của Hà Nội, được khắc họa tỉ mỉ bởi thế hệ họa sĩ trẻ Gen Z trên khung canvas được ghép từ vải vụn.

Thông qua những bức tranh nghệ thuật đầy sáng tạo, có thể nhìn thấy những tầng khác nhau của Hà Nội, từ những lớp kiến trúc, lịch sử, văn hóa cho đến lớp tình cảm và con người, tạo nên sự đa dạng của Thủ đô.

“Mỗi lĩnh vực có những cách ghi chép cho riêng mình. Và với họa sĩ nói riêng, việc dùng những phương thức, chất liệu khác nhau biểu đạt cảm nhận, tư tưởng, ghi chép lại hiện thực cuộc sống là một điều đáng trân quý. Nó giúp chúng ta lưu giữ lại giá trị của văn hóa, cuộc sống. Không chỉ ở hình ảnh, đó còn là tư tưởng, tiếng nói của con người hiện hữu trong thời đại”, họa sĩ Vũ Tuấn Việt bày tỏ.

Tác phẩm 'Rùa Thần chở mộng' của Nguyễn Trần Đăng Khoa.

Tác phẩm 'Rùa Thần chở mộng' của Nguyễn Trần Đăng Khoa.

Nghệ thuật hướng tới sự bền vững

4V Việt Nam ra đời với sứ mệnh góp phần giảm thiểu rác thải thời trang, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong sản xuất và tiêu dùng ngành công nghiệp may mặc. Dự án được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua chương trình ASEAN Social Impact Program thuộc Đại học Fulbright Việt Nam.

Dự án đặt mục đích trao cơ hội cho 50 nghệ sĩ trên địa bàn thành phố Hà Nội sáng tạo và triển lãm tác phẩm nghệ thuật trên toan tranh được ghép từ vải vụn. Bên cạnh đó là bán tác phẩm tranh vẽ trên vải nhằm gây quỹ cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là công tác phủ xanh đồi trọc ở tỉnh Hà Giang.

Điều đặc biệt từ dự án này, đa số các nghệ sĩ tham gia đều thuộc thế hệ Gen Z - lứa tuổi chủ yếu từ 1998 - 2004, có cả những nghệ sĩ sinh năm 2006 và 2007. Trong đó có đến 50% nghệ sĩ trẻ là sinh viên các trường mỹ thuật và kiến trúc, số còn lại là sinh viên các trường tại Hà Nội có niềm đam mê với nghệ thuật.

Tuy là triển lãm của các nghệ sĩ trẻ nhưng “Lớp lớp Hà Nội” lại cho thấy sự chín chắn và không kém những già dặn trong thực hành nghệ thuật. Mỗi tác phẩm được trưng bày không chỉ thể hiện một thế giới, một cá tính, một phong cách riêng biệt mà còn làm nổi bật những băn khoăn lo lắng trước các tác động xấu đối với thiên nhiên môi trường sống.

Hơn 100kg vải bỏ đi, thay vì bị đốt bỏ họa sĩ trẻ đã biến chúng trở nên hữu ích.

Hơn 100kg vải bỏ đi, thay vì bị đốt bỏ họa sĩ trẻ đã biến chúng trở nên hữu ích.

Bên cạnh đó là các bức hoạ lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa và nhịp sống quen thuộc của Hà Nội. Dưới bàn tay biến hóa của nghệ sĩ, phố sá hiện nét cổ kính từ ngàn năm xen lẫn trong nhộn nhịp hiện đại. Thành quách rêu phong, những danh tích cũ trầm mặc, từng rặng cây, góc phố… cứ thế chồng lấn xếp đặt dọc ngang, đúng như tên của triển lãm “Lớp lớp Hà Nội”.

Công chúng cũng bị thu hút bởi những bức hoạ giản dị về cuộc sống đời thường của Hà Nội. Đó là gia đình, là những bữa ăn quần tụ hay đơn giản là những món ăn đường phố như trà đá, bánh mì… Qua những nét bình yên ấy, qua những bạo liệt của môi trường sống, các nghệ sĩ – có lẽ thầm nhủ, hoặc ẩn nhắn thông điệp tới công chúng về trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng đối với môi trường và cảnh quan của Hà Nội.

“Theo ban tổ chức, ngoài “Lớp lớp Hà Nội” là workshop về tái chế vải ngay tại không gian của triển lãm. Bên cạnh đó là hoạt động bán đấu giá các tác phẩm nhằm gây quỹ ủng hộ cho chiến dịch tình nguyện. Lợi nhuận thu được từ hoạt động sẽ dùng để thực hiện chương trình trồng cây tại các điểm trường ở huyện Bắc Quang (Hà Giang), đem đến môi trường học tập xanh, an toàn cho trẻ em vùng cao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.