Gen Z cần 7 nguồn thu nhập để làm giàu

GD&TĐ - Theo khảo sát toàn cầu mới nhất, 40% công nhân viên Gen Z đang kiêm một lúc 2 công việc trở lên.

Với Gen Z, làm một lúc nhiều công việc là cách đảm bảo thu nhập ổn định nhất. Ảnh: Getty Images.
Với Gen Z, làm một lúc nhiều công việc là cách đảm bảo thu nhập ổn định nhất. Ảnh: Getty Images.

“Muốn giàu có, chúng ta cần 7 nguồn thu nhập”, họ chia sẻ lời khuyên này với nhau trên các mạng xã hội.

Ít nhất 2 công việc

Hiện, Gen Z là lực lượng lao động trẻ và gia tăng nhanh nhất. Chỉ tính riêng ở Mỹ, vào tháng 7/2022, số lượng công nhân viên tuổi từ 16 - 24 đã là 21 triệu người, tăng 54,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19 khiến tuyển dụng bị đóng băng. Gen Z, với tư duy mới mẻ và tinh thần nhiệt huyết đã vượt qua cú sốc thất nghiệp rất nhanh. Thay vì cố chấp tìm kiếm công việc toàn thời gian, họ linh hoạt tận dụng mọi cơ hội và khả năng, trở thành những lao động đa công việc.

Việc một Gen Z có trong tay cả công việc toàn thời gian lẫn bán thời gian là vô cùng bình thường. Đến nỗi, các nhà tuyển dụng vốn khét tiếng khắt khe cũng phải nới lỏng quy định, cho phép Gen Z làm việc riêng trong giờ hành chính.

“Ở buổi phỏng vấn xin việc, tôi nói thẳng rằng mình đang có công việc bán thời gian và có thể sẽ phải làm nó ngay trong giờ làm”, Shola West (22 tuổi), nhân viên Công ty Quảng cáo OMD kể lại. Trái với lo lắng của chị West, ban tuyển dụng đã rất hoan nghênh. “Họ nói rằng, chỉ cần tôi hoàn thành công việc của họ đúng thời gian là được”, chị nhớ lại.

Công việc bán thời gian của chị West là sáng tạo nội dung. Trong giờ làm việc, chị tranh thủ những lúc rảnh rỗi, viết và quay video đăng lên tài khoản TikTok. “Dần dà, tôi linh hoạt chuyển đổi giữa đôi bên. Cho dù là ở nhà hay trên công ty, tôi cũng có thể làm cả 2 công việc cùng lúc”, chị nói.

Hối hả nhất

So với công việc ổn định, Gen Z kỳ vọng có thể theo đuổi đam mê và hướng tới tương lai biến sở thích thành sự nghiệp. Ảnh: Getty Images.

So với công việc ổn định, Gen Z kỳ vọng có thể theo đuổi đam mê và hướng tới tương lai biến sở thích thành sự nghiệp. Ảnh: Getty Images.

Tất nhiên là với 2 công việc cùng lúc, chị West “bận sấp mặt”. “Muốn kiếm tiền trong thời đại này thì chỉ một công việc toàn thời gian thôi là không đủ. Câu cửa miệng của chúng tôi trên các mạng xã hội luôn là, muốn giàu thì phải có ít nhất 7 nguồn thu nhập khác nhau”, chị giải thích.

Trong thế giới “mọi thứ đều lạm phát” ngày nay, quả thật, chỉ thu nhập từ công việc toàn thời gian là không đủ để Gen Z trang trải. Chưa kể, tấm thẻ nhân viên chính thức cũng không phải là tấm vé đảm bảo giữ được công việc trọn đời.

“Các lao động trẻ đang nhận thức sâu sắc sự biến động không ngừng của thị trường lao động. Họ biết rằng, muốn duy trì thu nhập ổn định thì chỉ có linh hoạt đa công việc”, Giám đốc Công ty Tư vấn Gartner - Caitlin Duffy phân tích.

Theo cuộc khảo sát toàn cầu vào đầu năm 2023, với 10.000 nhân viên của Tập đoàn Kantar (Anh), 40% nhân viên Gen Z đang làm một lúc ít nhất 2 công việc. “Bạn trai tôi cũng vừa làm kế toán toàn thời gian, vừa điều hành trang bán giày thể thao trên Instagram. Một người bạn khác thì vừa làm điều dưỡng, vừa làm thợ chụp ảnh”, chị West cho biết.

Số lượng lao động Gen Z đang gia tăng rất nhanh và ngược lại, nhu cầu tuyển dụng lại theo chiều hướng giảm.

“Gen Z nào cũng biết, mọi công việc, vị trí đều có khả năng biến mất nhanh như bốc hơi. Vì thế, họ không mơ mộng “công việc ổn định” mà chấp nhận thử thách với bấp bênh, nỗ lực nâng cao thu nhập bằng tất cả những gì có thể”, Trợ lý Giáo sư Meredith Meyer Grelli (Đại học Carnegie Mellon) nhận thấy.

Tự do, vui vẻ nhất

Vì thích đa công việc, Gen Z chấp nhận vất vả với thái độ tích cực. Ảnh: Getty Images.

Vì thích đa công việc, Gen Z chấp nhận vất vả với thái độ tích cực. Ảnh: Getty Images.

Mặc dù đa công việc thì vất vả nhưng đổi lại, Gen Z không cần từ bỏ đam mê và sở thích.

“Một số người còn chỉ làm nhân viên chính thức cho vui, xem công ty như nơi làm phụ còn công việc bán thời gian mới là công việc chính”, cô Meyer chỉ ra.

“Tôi đam mê công việc phụ, bỏ ra nhiều công sức và cảm thấy hạnh phúc vì nó hơn”, chị West thừa nhận. So với công việc chính, chị thấy công việc phụ của mình mới có tương lai. Nó không chỉ hợp với sở thích, mà còn giàu tiềm năng phát triển, trở thành sự nghiệp cá nhân viên mãn.

Đối với Gen Z, công việc phụ không chỉ đóng vai trò kiếm thêm thu nhập, mà còn là cơ hội khám phá và theo đuổi sở thích. Thông qua thử nghiệm nhiều công việc khác nhau, họ khai thác tiềm năng của bản thân, phát hiện thế mạnh cũng như sở thích thật sự, nảy sinh ý tưởng mới mẻ và cuối cùng mạnh dạn bước lên con đường sự nghiệp riêng.

“Công việc cũng giống như bài khảo hạch để chúng ta tìm ra giá trị đích thực của bản thân”, cô West lập luận. Trong các sinh viên của cô, có một người đã lấy cảm hứng từ kinh nghiệm đa công việc trong mảng công nghệ, xây dựng công ty khởi nghiệp kỹ thuật số của riêng mình.

Ban đầu, các nhà tuyển dụng không hài lòng trước thái độ “coi nhẹ công việc chính thức” của Gen Z. Thời gian chỉ cho họ thấy, càng áp đặt nhiều quy tắc lên công nhân viên Gen Z càng “tổ thiệt thòi”.

Trái lại, nếu nới lỏng, họ được hưởng lợi nhờ các hoạt động của Gen Z như có thêm khách hàng, lôi kéo được sự quan tâm… Chính vì thế, ngày nay, ngày càng nhiều công ty, tập đoàn khuyến khích Gen Z đa công việc.

Theo bbc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ