GD trẻ hòa nhập: Khi mỗi học sinh là một giáo án

GD&TĐ - Giáo dục một đứa trẻ bình thường đã khó, giáo dục trẻ học hòa nhập, trẻ khuyết tật càng khó khăn gấp bội phần.

Cô và trò Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu trong giờ học. Ảnh: P.Nga
Cô và trò Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu trong giờ học. Ảnh: P.Nga

Bởi mỗi học sinh là một trang giáo án, có nhiều em học 2 - 3 năm mới có thể lên được một lớp. Dù vất vả, áp lực nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy cô luôn dành cho trò sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ, chỉ bảo để các em tiến bộ mỗi ngày. 

Mỗi học sinh là một giáo án

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: Nhiều năm giảng dạy, tôi phụ trách nhiều lớp có học sinh học hòa nhập. Có em bị tật về vận động, trí não, có em tự kỷ nhẹ, tăng động… Chính vì vậy, khi tiếp nhận học sinh, giáo viên phải tìm hiểu kĩ và có biện pháp, phương pháp giáo dục, sổ theo dõi riêng. Bên cạnh những lớp tập huấn, đa phần giáo viên phải tự tìm hiểu kiến thức liên quan đến các dạng tật mà học sinh gặp phải để thiết kế giáo án, đặc biệt là nắm bắt những biểu hiện cụ thể của học sinh để xử lý tình huống tốt nhất.

“Giáo viên vất vả hơn vì vừa phải giảng dạy bảo đảm kế hoạch chung với học sinh bình thường, vừa phải quan tâm đặc biệt đến học sinh học hòa nhập. Bởi với những học sinh này, không đòi hỏi các yêu cầu chung mà chỉ cần các con hoàn thành một bài toán, viết được một câu tròn vành rõ chữ đã là sự cố gắng, tiến bộ”, thầy Sơn nói.

Tương tự, thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết: Khi tiếp nhận học sinh hòa nhập, cũng như các em học sinh khác, giáo viên luôn mở rộng vòng tay, yêu thương trò bằng cả trái tim. Mỗi em học hòa nhập có một dạng tật khác nhau nên giáo viên phải tìm hiểu kỹ để lên kế hoạch dạy học phù hợp. Có em chậm phát triển trí tuệ, có em tăng động nhưng lại rất nổi trội ở một môn học, cũng có em yếu môn Toán, Tiếng Việt nhưng lại say mê vận động… Chính vì vậy phải có kế hoạch dạy học, bài kiểm tra phù hợp để đánh giá sự tiến bộ của các em ở mức độ dựa vào điểm mạnh, yếu của học sinh.

Thầy Đức lấy ví dụ, học trò bị tăng động, do một tiết học 35 phút, em không thể nào tập trung được, nếu tập trung lâu sẽ có biểu hiện la hét, ném đồ… Hiểu được điều này nên tầm 15 phút, giáo viên sẽ cho em ra sân một chút, em có thể tự uống nước, ngắm trời mây… có khi tự nhảy lò cò. Khi em trở vào lớp tặng em một cái kẹo, cục gôm, cây viết chì, em sẽ rất thích và chịu ngồi để cùng học với bạn học.

Theo thầy Đức, điều quan trọng với các em không phải là đạt yêu cầu trong học tập, rèn luyện mà chính là yếu tố hòa nhập với bạn bè; có những kỹ năng cơ bản để có thể tự phục vụ bản thân. Nhìn thấy trò tiến bộ từng ngày, dù là ít thôi nhưng đủ làm giáo viên hạnh phúc, thêm động lực để cố gắng. 

Thầy cô luôn tận tụy, yêu trẻ vô điều kiện để giúp trò trưởng thành từng ngày. Ảnh: P.Nga
Thầy cô luôn tận tụy, yêu trẻ vô điều kiện để giúp trò trưởng thành từng ngày. Ảnh: P.Nga

Hạnh phúc vì sự tiến bộ của trò

Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên lớp 4, Trường Tiểu học An Phú 2 (huyện Củ Chi, TPHCM), trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lớp cô phụ trách tổ chức làm thiệp tặng thầy cô. Em A. bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ (chứng khó đọc, khó khăn trong học chữ) cũng tham gia làm thiệp, vẽ hoa và hình cô giáo như bao bạn khác. Nhưng những nét chữ của em viết ra nếu đưa cho người khác sẽ không dịch, hiểu được. Vậy mà khi nhìn vào, cô Phương lại đọc được và khi cô dịch ra, em gật đầu lia lịa rồi mỉm cười. Cô Phương kể: “Lúc đó tôi hạnh phúc vô cùng, bởi đã có một thời gian gắn bó với trò, nên hiểu được tính cách, được sự khó khăn và cả những điều em muốn nói”.

Trong quá trình dạy, cô Phương cũng thường xuyên cho học trò viết thư cho ba mẹ nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Học sinh học hòa nhập cũng viết, nhưng có em viết và đọc được, có em lại bỏ trống. Khi đó cô Phương trò chuyện riêng với em, hỏi han và cùng chia sẻ để có thể chuyển tải được những thông điệp tới ba mẹ. Sau đó, các em hào hứng hơn, thậm chí còn thể hiện tình cảm qua vẽ tranh. “Với trẻ, chúng ta là người bạn, người thầy, là cha, mẹ, người đồng hành để cùng con trưởng thành. Phải yêu thương thực sự mới có thể chạm vào trái tim của trẻ”, cô Phương nói.

Cô  Phạm Thị Mộng Lan, giáo viên Trường Hy vọng Quận 6 (TPHCM) có nhiều năm gắn đồng hành với trẻ học hòa nhập cho hay. Cô Lan cho hay:  Trong một lớp khiếm thính có độ tật khác nhau, có em có thể nghe được một chút, có em lại không, có em thậm chí vừa khiếm thính vừa bị các tật khác… Chính vì vậy, giáo viên phải chọn giáo án phù hợp. Có những em tiếp thu rất tốt, nhưng có em chậm, việc học trò có thể học 2, 3 năm 1 lớp là điều bình thường. Nếu thấy em nào tiến bộ nhanh, trường sẽ thực hiện những bài kiểm tra để giới thiệu vào các trường tiểu học bình thường. Theo cô Lan, khi nhìn thấy các em làm tốt một bài toán, viết được những câu văn đúng chính tả, biểu đạt được ý của mình, hạnh phúc vô cùng. Sau này, ngày lễ 20/11, nhiều học trò cũ vẫn luôn nhớ, về thăm thầy cô, đó là điều vô cùng quý giá và chính tình cảm các em đã níu chân những người thầy gắn bó với nghề.

Một trong những điều quan trọng để giúp trẻ hòa nhập tiến bộ chính là phụ huynh luôn đồng hành. Bên cạnh đó cũng cần sự đồng cảm, sẻ chia của các bạn học cùng lớp, cùng giúp đỡ bạn tiến bộ. Để làm được điều này, giáo viên cũng cần khéo léo, giải thích, chia sẻ cho học sinh hiểu được để cùng hỗ trợ bạn hòa nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.