GD thể chất: Thành công nhờ xã hội hóa

GD&TĐ - Công tác giáo dục thể chất ở trường học để bảo đảm chất lượng và hiệu quả cần có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

HS Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) tập luyện môn bóng đá.
HS Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) tập luyện môn bóng đá.

Tuy nhiên, với nhiều trường học, những điều kiện này không đủ để đáp ứng nên phải huy động từ các nguồn lực khác thông qua xã hội hóa…

Giờ học không nhàm chán

Tại Trường liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giờ học giáo dục thể chất không còn buồn chán nữa khi trở thành giờ thể thao tự chọn nhằm phát huy hết năng lực thể chất của mỗi HS qua nội dung bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, nhảy…

TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết: Chúng tôi coi giáo dục thể chất một bộ môn quan trọng không khác gì các bộ môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Trường bố trí lịch học phù hợp, giáo viên giỏi và chương trình mới lạ, hấp dẫn nên HS rất yêu thích. Môn học này cũng được quan tâm, đầu tư nhiều nhất vì nó đòi hỏi sự hỗ trợ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ… 

Cũng như vậy, Trường THCS Việt Nam - Angieri (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đầu tư xây dựng nhà thể chất rộng hơn 300m2, sân chơi bóng rổ ngoài trời, sân tập thể dục thể thao (TDTT) rộng rãi, thoáng mát. Ngoài 2 tiết thể dục theo quy định, nhà trường còn tổ chức các giờ học tự chọn, câu lạc bộ thể thao để HS vừa thỏa niềm đam mê với các môn thể thao yêu thích, vừa rèn luyện thể chất. Các sân tập được xây dựng từ sự huy động các nguồn lực, thực sự là không gian lý tưởng để HS tập luyện, đẩy mạnh phong trào TDTT trong nhà trường, đồng thời phát hiện ra những hạt nhân cho các giải thi đấu của quận, thành phố…

Không có điều kiện cơ sở vật chất, sân tập rộng rãi, Trường THCS Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tận dụng khoảng sân trường để tổ chức cho HS tập luyện, tham gia các câu lạc bộ (CLB) bóng rổ, cầu lông, đá cầu. Cô Phạm Thị Thùy Trang - GV thể dục của trường cho biết: Các giờ thể dục phải bố trí thời khóa biểu hợp lý để có chỗ cho HS tập luyện. Việc dạy thể dục theo giờ chính khóa và theo CLB do 4 GV thể dục của trường đảm nhiệm. Tuy nhiên, nếu HS nào có nhu cầu tập luyện thêm môn bóng đá, trường phối hợp để các em theo học và tập luyện tại Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận Hoàn Kiếm… 

Giải bơi phong trào của ngành GD-ĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Giải bơi phong trào của ngành GD-ĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). 

Nhiều sáng kiến hay

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục thể chất nhằm nâng cao thể lực cho HS, nhiều đơn vị đã quan tâm đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức hoạt động này trong các nhà trường.

Với đặc thù diện tích không lớn, nhiều trường học tại các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Ba Đình (Hà Nội)... tổ chức cho HS học bóng rổ. Đây là môn thể thao lôi cuốn và các đội bóng rổ HS Hà Nội thường đoạt thành tích cao tại nhiều giải bóng rổ cũng như kỳ đại hội thể thao.

Riêng với môn bơi lội, nhằm phổ cập bơi cho HS, để khắc phục tình trạng thiếu bể bơi, khu vực nội thành Hà Nội chủ động tổ chức mô hình phổ cập bơi cho HS. Huyện Thanh Trì (Hà Nội) dành phần lớn kinh phí xây dựng bể bơi tại 15/16 xã để phục vụ HS trên địa bàn. Quận Thanh Xuân có sáng kiến phổ cập bơi cho HS tiểu học bằng cách lắp đặt bể bơi di động, đồng thời tham mưu cho UBND quận ban hành đề án phát triển giáo dục của quận; xác định chỉ tiêu phổ cập bơi cho HS tiểu học đến năm 2020 là trên 90% HS học xong tiểu học biết bơi. Ngoài ra, UBND quận hỗ trợ 30% kinh phí cho HS học bơi.

Quận Cầu Giấy phối hợp với Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao dạy miễn phí cho HS trên địa bàn… Bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: Từ năm 2007 đến nay, hằng năm quận đều tổ chức các lớp phổ cập bơi cho trẻ em vào dịp hè tại bể bơi trong trường học và trên địa bàn các phường qua công tác xã hội hóa. Thông qua các lớp phổ cập bơi, hàng nghìn trẻ em trong độ tuổi từ 9 - 14 tuổi tập luyện và biết ít nhất 1 kiểu bơi, hình thành các kỹ năng phòng chống đuối nước để tự bảo vệ chính mình, hạn chế  rủi ro khi tiếp xúc với môi trường nước. 

Theo ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao, không phải địa phương nào cũng chú trọng xã hội hóa công tác giáo dục thể chất học đường. Ông Phấn cho biết: Trong quá trình triển khai tại địa phương, ở đâu đó vẫn chưa quyết liệt. Trước đây, chúng tôi có kế hoạch triển khai dự án xã hội hóa liên quan đến lắp đặt hệ thống bể bơi để giúp cho việc phổ cập bơi nhưng gặp nhiều khó khăn dẫn tới triển khai không hiệu quả.

Nói về xã hội hóa trong công tác phổ cập bơi cho trẻ em, học sinh, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Về lâu dài chắc chắn phải đầu tư hệ thống bể bơi hợp quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm an toàn cho trẻ em học. Nhưng trước mắt, chúng ta dựa vào những thứ sẵn có, đó là hệ thống sông ngòi kênh rạch có thể quây lại để thành nơi dạy bơi cho trẻ. Ví dụ, cô Sáu ở Đồng Tháp là một trong 100 phụ nữ được thế giới vinh danh khi trong gần 20 năm đã dạy bơi miễn phí cho 2.000 trẻ em. Bắt đầu từ việc khoanh một đoạn kênh, sau đó các nhà tài trợ đã đầu tư cho một số bể bơi nhân tạo và cô đã miệt mài dạy bơi cho trẻ em trong vùng. Bà Hoa nhận định: Ngoài cô Sáu ở Đồng Tháp rất nhiều người ở cộng đồng đang dạy bơi cho trẻ. Có lẽ chúng ta phải xã hội hóa hình thức này. Không bó hẹp trong việc doanh nghiệp đầu tư, mà là huy động ngay những người ở cộng đồng biết dạy bơi cho trẻ.

Do duy trì được các hoạt động giáo dục thể chất tại trường và phối hợp với Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận, năm nào HS của trường cũng đạt thành tích trong các giải thi đấu TDTT các cấp. - Cô Phạm Thị Thùy Trang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ