Nhìn vào những thể hiện bên ngoài, phía Ukraine không mấy hào hứng về việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức một hội nghị mang danh quốc tế nhưng lại chỉ với quy mô nhỏ về Ukraine. Nguyên nhân ở chỗ, hội nghị trên chỉ có lợi cho Pháp chứ không đem lại “tiền tươi thóc thật” thêm cho nước này.
Trước sự kiện mấy ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công du Đức và Pháp, nhận được sự quả quyết của cả ông Macron lẫn Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng Pháp và Đức cùng hội, cùng thuyền với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Hai nước này còn ký kết hiệp ước an ninh song phương với Ukraine. Như thế có nghĩa là Đức và Pháp đã nói hết những gì ông Zelensky muốn nghe và đã cho Ukraine hết những gì có thể. Vậy còn gì đâu để nói thêm và cho thêm Ukraine được nữa ở hội nghị tại Paris.
Mang tiếng là hội nghị cấp cao nhưng thực ra chỉ có ông Macron, ông Scholz, Tổng thống Ba Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Anh cùng đại diện của Mỹ và Canada. Thành phần như thế đâu có thể đại diện được cho cả NATO hay EU hoặc khối phương Tây.
Thật ra ở đây, ông Macron chủ ý mượn danh sự kiện này để gây dựng vai trò và ảnh hưởng chính trị châu lục cho cá nhân và cho nước Pháp. Ba Lan ăn theo trong khi ông Scholz không muốn để cho ông Macron độc chiếm diễn đàn và Pháp tận dụng thời thế xưng hùng xưng bá trên châu lục.
Cho nên ông Macron đề cập đến việc thành viên NATO triển khai quân đội ở Ukraine để sát cánh cùng nước này thì ông Scholz ngay lập tức bác bỏ. Pháp và Anh hối thúc Đức cung cấp tên lửa hành trình tầm xa (500 km) cho Ukraine thì ông Scholz cũng khước từ.
Con chủ bài đắc dụng nhất của Đức trong việc này là ông Macron cam kết nhiều cho Ukraine nhưng lại thực hiện ít, thậm chí rất ít trong khi Đức chỉ xếp sau Mỹ trong viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Tình thế của Ukraine hiện rất khó khăn, cả trên chiến trường lẫn phương diện duy trì mức độ viện trợ quân sự và tài chính từ các đồng minh. Chiêu thức của ông Macron là thể hiện trong bối cảnh tình hình chung như thế hình ảnh nước Pháp và cá nhân mình năng nổ đi đầu trong việc giúp Ukraine kiên định đến thắng lợi cuối cùng với Nga, nhằm mục tiêu đầy tham vọng là gây dựng vai trò dẫn dắt EU và NATO đi qua thời khủng hoảng cũng như thách thức chính trị an ninh hiện tại.
Cho nên ông đã sử dụng một con bài cũ là nhấn mạnh “sự tự chủ về an ninh của châu Âu”, hàm ý các nước châu Âu phải tự lo liệu để đảm bảo an ninh chứ không lệ thuộc vào Mỹ như lâu nay mà châu Âu muốn không lệ thuộc vào Mỹ về an ninh thì không thể không nhờ cậy Pháp.
Bởi Pháp hiện là thành viên EU duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân. Anh cũng có vũ khí hạt nhân nhưng đã ra khỏi EU nên không thể đóng vai trò đáng kể và đáng được tin cậy trong việc gây dựng cho EU sự tự chủ về đảm bảo an ninh.
Hội nghị vừa qua về Ukraine ở Paris được ông Macron vội vã đăng cai chính là vì thế. Do vậy các nước thành viên EU không mấy mặn mà. Họ không phản đối ông Macron nỗ lực gây dựng vai trò riêng nhưng không tha thiết với việc giúp ông Macron và thật ra cũng chẳng tin người này gây dựng được vai trò, ảnh hưởng dẫn dắt EU và châu lục cho nước Pháp.