Sau sự việc bé trai 6 tuổi trường Gateway chết thương tâm trên xe ô tô đưa đón học sinh, các trường ngoài công lập gắn mác quốc tế nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhất là sau buổi họp báo thông tin về vụ việc ngày 7/8, nhiều người mới mường tượng rõ hơn về tên gọi "quốc tế".
Lãnh đạo phòng giáo dục quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định không có quy định nào về trường quốc tế. Gateway không phải trường quốc tế mà do đơn vị tự đặt. Các trường ngoài công lập cố ý gắn mác quốc tế nhằm quảng cáo thu hút học sinh.
Tuy nhiên chỉ cần thao tác nhỏ Google có thể thấy rõ "ma trận" các trường gọi là quốc tế ở Hà Nội và TP.HCM. Cơ quan quản lý giáo dục và luật sư đều khẳng định, việc các trường xưng danh quốc tế là vi phạm pháp luật.
Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây cho biết sẽ công bố các trường quốc tế trên địa bàn, đồng thời thanh tra và xử lý các trường gắn mác quốc tế.
Khi thông tin trên được phổ biến rộng rãi, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ thanh tra, thì những ngày gần đây hàng loạt các cơ sở giáo dục gắn "quốc tế" đều đã thay tên ở cổng trường, biển hiệu.
Điển hình, mới đây trên website, trường Gateway thay đổi tên từ "Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway" sang "Trường Tiểu học & THCS Gateway". Nhưng logo tên tiếng Anh là Gateway International School không đổi. Nhiều bài viết trên website vẫn để Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway.
Nội dung về chương trình học và tuyển sinh trên website không còn tồn tại. Tại cơ sở ở Hải Phòng, trường tiểu học Gateway cũng đã dỡ hết bảng tên ở cổng.
Dòng chữ International Montessori School bị xóa sạch.
Không chỉ Gateway, theo khảo sát của phóng viên ngày 16/8, hàng loạt các cơ sở giáo dục khác cũng "gỡ biển", "sửa tên dòng chữ quốc tế/international, sau thời gian dài xưng danh mà không bị "tuýt còi".
Trường Mầm Non Montessori, ở Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội xóa bỏ dòng chữ tiếng Anh trên biển hiệu của trường. Tuy nhiên trên website của nhà trường, danh xưng "International" vẫn còn.
Trường Quốc tế Việt - Hàn Montessori (tòa nhà Hyundai Hillstate, số 5 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội) cũng tháo dỡ biển hiệu.
Trường Mầm non Quốc tế IQ và Tiểu học Quốc tế IQ (địa chỉ số 55, Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội) mới dán lại biển chỉ dẫn tên trường và bỏ hoàn toàn danh xưng quốc tế.
Dòng chữ "International" của trường Viet-Han Montessori cũng bị xóa bỏ mới đây.
Trường Alaska (địa chỉ số 25 đường Thọ Tháp, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) vài ngày trước đã dỡ biển Trường quốc tế Alaska trên cổng trường và đặt ở chân tòa nhà. Trước đây, ngay ở ngoài cổng ra vào, trường treo bảng hiệu lớn “Trường Tiểu học quốc tế Alaska" và số điện thoại liên hệ.
Website của trường không truy cập được mà chuyển hướng sang trang Facebook với tên gọi "Trường Tiểu học quốc tế Alaska".
Trường Global (khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy) cũng mới đổi dưới danh xưng. Tuy nhiên trên website của trường tên tiếng Anh Globa International School không đổi.
Trên trang web của trường Global vẫn còn nguyên tên gọi "quốc tế".
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 11 trường có thể gọi là “quốc tế” theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, các trường thêm chữ “quốc tế” trong tên trường chỉ có yếu tố nước ngoài, không phải trường quốc tế.
Cũng theo ông Quang, nếu trong quyết định thành lập không có chữ quốc tế mà trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm.
Về vấn đề này, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT khẳng định trường tự gắn mác quốc tế là không đúng quy định. Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn thành phố.
Trường Mầm non quốc tế IQ và Tiểu học quốc tế IQ (địa chỉ số 55, Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội) cũng mới dán lại biển chỉ dẫn tên trường và bỏ hoàn toàn danh xưng quốc tế.
Xe đưa đón của trường Phổ thông quốc tế Newton đổi tên thành trường Phổ thông liên cấp Newton.
Theo Điều 48 của Luật giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường công lập; dân lập; tư thục. Luật giáo dục mới được Quốc Hội thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.
Chính phủ cũng ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.