Gap-year là gì?
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, nhiều học sinh ở một số nước cảm thấy áp lực khi bắt buộc phải chọn trường đại học hay định hướng sự nghiệp cụ thể. Vì vậy, nhiều em chọn “tạm dừng” việc học 1 năm để có những trải nghiệm khác, dành thời gian nhìn lại và cân nhắc những lựa chọn của mình. Thời gian này được nhiều người gọi là Gap - year.
Học sinh có thể tùy ý quyết định Gap-year trong bao lâu và trong bất cứ thời điểm nào trên con đường học vấn của mình.
Lợi ích của Gap-year
Một kỳ Gap-year sẽ mang lại những cơ hội cho sự phát triển trong quá trình chuyển giao quan trọng. Học sinh có thể đi du lịch, theo đuổi một công việc, tham gia các công việc tình nguyện hay chỉ đơn giản nghỉ ngơi để giảm stress.
Gap-year có thể giúp học sinh độc lập và tự tin hơn trước khi quay trở lại việc học truyền thống. Đây là những phẩm chất giúp các em phát huy tối đa bản thân khi quay trở lại trường học và cảm thấy yên tâm hơn khi biết mình đang đầu tư đúng đắn.
Kỳ Gap-year là cơ hội để thư giãn, soi chiếu bản thân và lên kế hoạch. Đây chính là cơ hội để các em học sinh vẫn còn mông lung, chưa chắc chắn về việc “chọn đúng trường” có thể dành thời gian tìm hiểu về các trường đại học.
Sau khi trải qua những áp lực và căng thẳng ở trung học, nhiều học sinh cảm thấy suy sụp tinh thần. Việc Gap-year trong giai đoạn này cho phép các em có thời gian quan tâm đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần mà không phải chịu thêm áp lực từ những kiến thức ở trường đại học.
Nên làm gì trong kỳ Gap-year?
Hãy tìm ra câu trả lời cho việc bản thân “tạm dừng” học để làm gì và bắt đầu thiết lập một kế hoạch.
Ví dụ, nếu bạn muốn dành thời gian để du ngoạn thế giới, hãy bắt đầu nghiên cứu các chi phí đi lại, nơi ở và xác định ngân sách cho chuyến đi của mình.
Tương tự, nếu bạn muốn bắt đầu một công việc hay đi làm tình nguyện trong kỳ Gap-year, hãy nhớ rằng sẽ mất nhiều thời gian để bạn hoàn thành các hồ sơ ứng tuyển và nhận lại phản hồi. Hãy lên kế hoạch tìm hiểu các cơ hội có sẵn và ứng tuyển càng sớm càng tốt.
Dự định, mục tiêu cần hoàn thành trong kỳ Gap-year
Sẽ có người dùng Gap-year để nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng và tập trung vào bản thân.
Một số khác lựa chọn đặt mục tiêu trở nên chuyên nghiệp hơn trong công việc hoặc đặt ra những mục tiêu cá nhân cụ thể để thành công trước khi quay lại trường đại học.
Biết rõ mình muốn nhận lại gì từ kỳ Gap-year có thể giúp bạn xác định được cần phải đầu tư những gì cho giai đoạn này.
Ví dụ những học sinh Gap-year để du ngoạn thế giới có thể dễ dàng hòa nhập với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Đi xa khỏi gia đình và bạn bè có thể giúp sinh viên xây dựng sự tự lập và thấu hiểu thế giới.
Nếu bạn tìm kiếm cơ hội để đặt chân vào con đường sự nghiệp chuyên nghiệp bạn có thể đăng ký làm thực tập sinh hay ứng tuyển vào các vị trí dành cho người mới vào nghề.
Kỳ Gap-year của bạn có khả thi về tài chính?
Lên kế hoạch dự trù kinh phí cho kỳ Gap-year của bạn là điều vô cùng quan trọng. Sinh viên lựa chọn đi làm trong giai đoạn này có thể bớt lo lắng về vấn đề tiền bạc, tuy nhiên những em vẫn chưa có khả năng chi trả tài chính, vẫn còn dựa vào bố mẹ thì cần cân nhắc.
Những học sinh quyết định chọn đi du lịch hay hoàn thành công việc tình nguyện phải hiểu rõ được những hệ quả đi kèm về mặt tài chính khi thực hiện Gap-year.
Nếu không có nguồn thu nhập ổn định hay quỹ tiết kiệm, những học sinh Gap-year trong giai đoạn chuyển tiếp lên đại học có thể nợ thẻ tín dụng lên đến những con số khổng lồ. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng dài hạn tới cuộc sống sinh viên và thậm chí ngay cả khi đã ra trường.