Ông là người thợ sửa chữa đồng hồ duy nhất ở nước ta (tính đến thời điểm này) có trong tay 7 bằng chứng nhận nghề do 7 hãng đồng hồ lớn nhất, danh tiếng nhất của Thụy Sĩ như: Omega, Rado, Longines, Movado… cấp.
Tiếp nối nghề cha
Chuyên gia đồng hồ Đào Văn Dư, sinh năm 1938, người Hà Nội gốc, có truyền thống sửa chữa đồng hồ. Từ thời cụ nội của ông Dư đã hành nghề sửa chữa đồng hồ cho quan chức thực dân Pháp.
Đến đời cha đẻ ông Dư đã là một “tay thợ” sửa chữa đồng hồ nổi tiếng ở miền Bắc vào những năm 30 của thế kỷ XX. Ngay từ nhỏ, ông đã “mê mẩn” với những kim ngắn, kim dài, bánh xe, quả lắc… của đủ các hãng đồng hồ trên thế giới.
Năm 14 tuổi, Đào Văn Dư đã theo cha học nghề rồi tự mày mò sửa chữa được những hỏng hóc sơ đẳng của đồng hồ. Kể từ đó đến nay, ông đã có hơn 60 năm theo đuổi, gắn bó với chiếc đồng hồ và nghề sửa chữa đồng hồ gia truyền.
Năm 17 tuổi, Đào Văn Dư đã theo ông nội và cha đi làm thuê cho hiệu đồng hồ Vạn Sinh ở Hà Nội. Bản thân ông đi làm thuê từ thủa nhỏ, sau ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng, ở tuổi 20 đã là người thợ trẻ được xếp bậc cao nhất (5/7) trong làng
Vốn là người đam mê đồng hồ đặc biệt và gắn bó với nghề sửa chữa đồng hồ cả đời, song ông lại có những cơ duyên đặc biệt đó là tham gia vào việc “sáng chế” ra những chiếc đồng hồ cài đặt thời gian được đặt trong mìn hay thủy lôi với mục đích tiêu diệt nhanh gọn, chính xác phục vụ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Ông Dư nhớ lại kỷ niệm: “Mùa hè năm 1967, chiến sự ở miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt. Một buổi sáng, đại tá Nguyễn Văn Điện tìm tôi và nói đang cần gấp một loại đồng hồ hẹn giờ là từ chiếc đồng hồ Poljot của Liên Xô, sao cho có thể đóng mạch điện làm nổ mìn chính xác đến từng phút.
Khi cài đặt chiếc đồng hồ hẹn giờ đó phải chính xác tuyệt đối, nhưng khi ở dưới nước không bị chết, chịu được nước mặn, chịu va đập và phải dễ sử dụng.
Lúc đầu, tôi cảm thấy hơi lo vì chưa làm loại đồng hồ đó bao giờ, vả lại đây là bí mật quân sự quốc gia chỉ riêng tôi biết “đơn hàng” này thôi.
Mặc dầu không biết cụ thể công cụ đó phục vụ vào việc gì, song tôi linh cảm được đó là việc hệ trọng liên quan đến bí mật chiến trường…”
Ông kể tiếp: Khi nhận nhiệm vụ, nhiều ngày đêm tôi trăn trở, suy ngẫm, phác thảo ra nhiều sơ đồ cơ cấu hẹn giờ rồi tính toán sao cho hợp lý.
Mặt khác, thông thường chiếc đồng hồ thường làm bằng kim loại chỉ có một cực, còn loại ông Điện “đặt hàng” phải có hai cực, cuối cùng tôi quyết định cấy thêm cực kia vào mặt kính đồng hồ, nơi điểm số chỉ 12 giờ.
Sau nhiều đêm “sáng chế”, chiếc đầu tiên hoàn thiện một cách suôn sẻ và đưa đi thử, và điều kỳ diệu đã đến, khi anh Điện thông báo “cấp trên rất hài lòng” và đánh giá cao về những chiếc đồng hồ do chính đôi bàn tay tôi làm ra.
Sau đó, tôi được nhận bằng chứng nhận và huy hiệu đầy vinh dự: “Chiến sĩ Mậu Thân năm 1968”. Đồng thời, nhận lời biểu dương của Bộ Tổng tham mưu “đã có thành tích giúp đơn vị sửa chữa, cải tiến một số phương tiện phục vụ cho chiến đấu giành thắng lợi”.
Đây là một vinh dự lớn nhưng đầy bất ngờ, bởi tôi chưa từng tham gia quân ngũ, chưa hề đặt chân lên đất Sài Gòn, Đà Nẵng… Lúc đó, tôi mới hiểu được ý nghĩa việc làm của mình từ chính những chiếc đồng hồ hẹn giờ cải tiến đã góp phần cùng các chiến sĩ đặc công lập nhiều chiến công, tiêu diệt nhanh gọn, chính xác được mục tiêu của địch… giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đến sửa những chiếc đồng hồ “lịch sử”
Ngay từ những năm 1960, ông đã tham gia hoàn chỉnh hệ thống đồng hồ công cộng ở chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Bách hóa tổng hợp, chợ Mơ, chợ Long Biên... và chiếc đồng hồ đặt trên nóc Bưu điện Bờ Hồ ngày nay.
Là người thợ trẻ, giỏi chuyên môn và đầy nhiệt huyết ông đã hai lần được cử sang tu nghiệp tại Trung tâm Đồng hồ Quốc tế WOSTEP tại vương quốc đồng hồ Thụy Sĩ. Năm 1979, lần đầu tiên ông được Nhà nước và UBND TP.Hà Nội cử sang Thụy Sĩ học.
Năm 1991, chính Trung tâm Đồng hồ Quốc tế WOSTEP một lần nữa lại mời đích danh ông quay lại Thụy Sĩ để tham dự Hội nghị quốc tế về đồng hồ và tham gia tiếp khóa đào tạo tại các nhà máy sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới Eta – Ebauches ở nước này.
Cho đến nay, ông vẫn nhớ như in cảm giác tự hào khi được nhận tấm bằng chứng nhận của các hãng đồng hồ danh tiếng như: Rado Omega, Longines với dòng chữ: “Ngài Dư đã chứng minh mình là chuyên gia xuất sắc nhất và hiểu tường tận về đồng hồ”.
Trong hai lần tu nghiệp ở Thụy Sĩ, Đào Văn Dư đã được các hãng đồng hồ danh tiếng trao 7 bằng chứng nhận nghề (Diplome). Đối với một người thợ chữa đồng hồ Việt Nam, uy tín ấy thật hiếm hoi và không dễ gì đạt được.
Khi hỏi về chiếc đồng hồ đặt trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ hiện vẫn hoạt động do ông làm “chỉ huy trưởng” đã để lại trong ông nhiều ký ức đặc biệt. Bưu điện Bờ Hồ là cả một hệ thống gồm 3 đồng hồ tách biệt được điều khiển từ một “đồng hồ mẹ” nằm ở tầng một.
Bốn mặt của đồng hồ là 4 dàn loa phóng thanh, tổng cộng có 16 chiếc. Vào đúng ngày lễ Quốc khánh năm 1978 thì chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm ngân lên tiếng chuông đầu tiên.
Cứ 60 phút, chiếc đồng hồ gióng chuông một lần. Từ đó đến nay, chiếc đồng hồ do chính tay ông và các cộng sự lắp đặt vẫn chạy tốt…
Ông còn tham gia công tác đào tạo, viết giáo trình, tài liệu phục vụ học tập tại Trường Dạy Tin học và Đồng hồ tại 55 Hàng Bông. Cũng tại ngôi trường này, ông đã trực tiếp đào tạo, rèn nghề cho ra lò hàng ngàn thợ sửa chữa đồng hồ khắp đất nước. Các thế hệ học trò đã suy tôn ông là “cây đại thụ của làng đồng hồ Việt Nam, “phù thủy thời gian”, Người thợ tài danh…”.