Phố Tràng Tiền - Hà Nội xưa kia có trường đúc tiền tên "Bảo tuyền cục" mở vào năm 1808, tên "tràng" là đọc chệch của "trường", nghĩa là phố "trường tiền". Đây là con phố sầm uất bậc nhất của thành Thăng Long xưa. Năm 1952, tại con phố này đã diễn ra đám cưới xa hoa bậc nhất đất kinh kỳ giữa 2 gia tộc giàu có nổi danh nhờ kinh doanh buôn bán vải, may. Một dàn " siêu xe " màu đen của họ nhà trai xếp hàng trước cửa nhà số 19 Tràng Tiền chuẩn bị đi rước dâu.
Số 18 - 19 Tràng Tiền và nhiều căn nhà xung quanh khi xưa đều thuộc sở hữu của gia tộc họ Nguyễn, chủ tiệm may lớn nhất nhì Hà thành có tên gọi Adam, sau giải phóng đổi thành tiệm may Á Đông. Bây giờ căn nhà đã sang tên đổi chủ, thay đổi khá nhiều, nhưng mặt tiền và cấu trúc 2 tầng gần như không đổi.
Dàn "siêu xe" trên là của con trai ông chủ tiệm may (người ôm bó hoa) dùng để rước dâu, trong hình là gia đình chú rể đến nhà cô dâu ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội).
Đám rước dâu đã thu hút sự chú ý của rất đông người dân Hà Nội, tụ tập kín 2 bên đường để ngắm nhìn. Thời ấy đón dâu bằng xe ô tô, lại còn những 10 chiếc xe sang, đã chứng tỏ địa vị và mức độ giàu có, xa hoa của nhà chú rể.
Đi đầu bên trái là chú rể điển trai tên Nguyễn Đức Chiểu, cậu ấm của ông chủ tiệm may Á Đông, còn cô dâu mặc áo dài trắng (cúi mặt) đi bên phải tên Nguyễn Thị An, là đại tiểu thư gia đình quyền quý, giàu có nổi tiếng tại phố Sinh Từ.
Cô dâu ôm bó hoa, cúi đầu khép nép bên dàn phù dâu xinh đẹp, còn chú rể bên cạnh lại cười rất tươi.
Trước khi diễn ra tiệc cưới, cô dâu chú rể ra mắt ông bà tổ tiên, chào hỏi các tiền bối trong gia tộc, và được tặng của hồi môn.
Cô dâu chú rể đều xuất thân danh gia vọng tộc, nên đám cưới được trang hoàng rất lộng lẫy, mang phong cách quyền quý
Đón dâu xong, tiệc cưới được tổ chức ở khách sạn số 1 Hàng Khay. Chú rể lịch lãm đứng cạnh cô dâu mới...
...sau đó cặp vợ chồng trẻ đi mời trà thuốc họ hàng, khách khứa
Có thể thấy nét văn hóa truyền thống xưa, các chị, các cô, các bà đã lấy chồng đều vấn tóc, dùng khăn đóng, còn các cô gái trẻ chưa chồng đều búi tóc cao, mái cuộn. Trong ảnh là cô dâu cùng dàn phù dâu xinh đẹp, toàn mỹ nữ Hà thành thế kỷ trước
Tiệc đám cưới những năm 50 được sắp xếp phân chia rõ ràng, nam nữ ngồi riêng, các bậc phụ lão và thanh niên cũng ngồi theo từng khu vực riêng biệt. Tiệc tổ chức theo phong cách ẩm thực của Pháp, có phục vụ rót rượu lịch sự. Số bàn tiệc trong đám cưới khá lớn, bao trọn diện tích khách sạn số 1 Hàng Khay.
Số 1 Hàng Khay bây giờ là cơ quan thuộc Sở Y tế Hà Nội, vẫn giữ nguyên kiến trúc Pháp và nhiều nét cổ kính.
Có thể thấy quy mô đám cưới trong bộ ảnh này thuộc hàng "khủng" thời bấy giờ, bởi mức độ xa hoa của dàn xe đón dâu, cùng hàng trăm khách mời trong giới Hà thành tới dự tiệc. Cô dâu chú rể cùng xuất thân giàu có, những tấm ảnh về đám cưới quyền quý như thế này bây giờ đã rất hiếm, khó có thể tìm thấy để ngắm nhìn lại.
Chủ nhân của những bức ảnh cũ quý hiếm trên - cũng là cô dâu trong đám cưới, bà Nguyễn Thị An nay đã 83 tuổi. Dù đã cao tuổi nhưng bà vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, kể chuyện hóm hỉnh. Bà bảo, trong các tấm ảnh cưới, bà không hề cười, bởi khi đó bà lấy chồng không vì tình yêu, là do bố mẹ 2 bên sắp đặt. Chỉ có chồng bà yêu đơn phương. Mãi sau này, khi ông Chiểu dùng tấm lòng chân thành chứng minh tình cảm, bà mới dần dần yêu ông cho đến tận bây giờ.
" Chú rể " của bà - cụ Nguyễn Đức Chiểu đã qua đời từ hơn 30 năm trước, bà vẫn ở vậy từ đó đến nay. Bà đã lên chức cụ với nhiều cháu chắt, đại gia đình vẫn cùng chung sống yên ấm, hạnh phúc trong căn nhà cổ số 18 phố Tràng Tiền, nơi lưu giữ bao nhiêu ký ức về một thời vàng son.