Không chỉ gần đây, người ta mới “xôn xao” vì hàng nghìn thước ảnh đẹp như tranh vẽ của một bà mẹ Việt chụp hai thiên thần nhỏ, Hà Chũn từ lâu đã là một bà mẹ trẻ được nhiều chị em tin tưởng trong lĩnh vực nuôi dạy và chăm sóc con cái.
Những ai là thành viên của Hội Những người thích phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning – một cộng đồng các bà mẹ lớn trên facebook với hơn 14.000 thành viên đều biết đến bà mẹ thông thái này.
Trò chuyện và tìm hiểu về Hà Chũn, ta càng thêm ấn tượng với những phương pháp nuôi dạy con kiểu Pháp rất nghiêm khắc nhưng vẫn giàu yêu thương mà bà mẹ Việt này đang áp dụng một cách vô cùng khéo léo cho con trai lớn và con gái nhỏ của chị.
Mẹ Pháp không cần giúp việc mà vẫn vừa chăm con, vừa có thời gian riêng tư với chồng
Trải nghiệm hay lý do nào đã khiến chị, một bà mẹ Việt lại lựa chọn nuôi dạy con kiểu Pháp?
Những bậc cha mẹ sống xung quanh tôi chủ yếu là người Pháp, vì thế đó là ví dụ trực quan sinh động về cách nuôi dạy con của họ từ đó cũng hình thành cho tôi khái niệm tôn trọng con và giúp con tự lập từ nhỏ trong gia đình tôi.
Tôi thấy thật sự ấn tượng với sự thong thả và dễ dàng trong việc nuôi và dạy con của họ. Gia đình họ rất nhiều con, có nhà 3 đứa trẻ đều dưới 5 tuổi mà người mẹ vẫn thảnh thang như không, không chút lo lắng và không đầu bù tóc rối đút con ăn và ru con ngủ.
Hầu hết các gia đình tôi quan sát đều không có người giúp việc. Mọi việc đều do tay người mẹ đảm đương mà mọi thứ vẫn ngăn nắp, qui củ và có trật tự. Cuối ngày đồ chơi không vung vãi khắp nhà và cuối tuần họ vẫn có thể nấu nướng, mở tiệc hoặc mời bạn bè đến ăn tối khi các con họ đã ngủ say. (Thường tiệc chỉ bắt đầu lúc 8-9h tối).
Những người mẹ Pháp đó, tôi vẫn thấy sự lạc quan, yêu đời vui vẻ và không âu lo như tôi tưởng tượng. Họ có thời gian chăm sóc cho chồng, riêng tư với chồng và tự chăm sóc cho bản thân, cả về sắc đẹp lẫn thể hình. Tôi muốn học được bí quyết tại sao những người mẹ đó lại có thể làm được nhiều thứ như vậy
Chị đã chọn lọc và áp dụng cho hai con của mình những điều gì từ mẹ Pháp?
Tôi dạy con tôi tự ngủ, ngủ sớm và ngủ đủ 12h một đêm.
Tôi dạy con tôi biết yêu thích các loại thức ăn và việc ăn uống. Tôi dạy con tôi tự ăn từ 1 tuổi.
Tôi dạy con tôi tự vệ sinh cá nhân: rửa tay trước và sau khi ăn, đánh răng, tự tắm và tắm sạch từ 2-3 tuổi.
Tôi dạy con tôi chơi tự lập.
Tôi dạy con tôi biết chờ đợi và tôi dạy con tôi xếp hàng chờ đến lượt của mình.
Ông xã có ủng hộ và tham gia vào việc nuôi dạy con cái cùng chị?
Tôi rất may mắn và hạnh phúc là bạn đời rất tôn trọng cách tôi nuôi và dạy con. Nhà tôi có luật là chỉ một người nói, nếu mẹ đang dạy con thì bố không tham gia và cũng không làm trái, ngược lại tôi không chen ngang việc anh giáo dục con mà đứng ngoài quan sát và củng cố những gì anh làm (nếu cần)
Nghiêm khắc nhưng vẫn cho trẻ biết sau cùng luôn có tình yêu thương
Chị nói Alexis biết tự vệ sinh cá nhân từ khi mới 2,3 tuổi. Chị dạy con thế nào?
Việc dạy con đánh răng tôi áp dụng từ rất nhỏ, ban đầu cần sự giám sát của mẹ, sau con tự tin con có thể làm một mình. Tôi tắm cùng con cho đến 2 tuổi, trong quá trình tắm tôi dạy các con cách kỳ cọ, gội đầu, các phần của thân thể và đến sinh nhật 2 tuổi là các con có thể tự tắm hoa sen hay tắm bồn một mình.
Đương nhiên tôi vẫn đứng ngoài giám sát để đảm bảo sự an toàn. Tôi dạy con tôi rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, trước khi chơi với em bé, hay sau khi chơi với động vật từ khi bé biết nhận thức (9 tháng) và tôi làm gương trong việc đó. Khi thành nếp, con sẽ không cần phải nhắc nhở việc rửa tay hay đánh răng nữa.
Trẻ con cũng là những cá nhân nhỏ, trẻ sẽ tự tin hơn nếu biết điều gì sắp xảy ra, vì thế tôi nhấn mạnh đến routine (thời khoá biểu), giờ nào làm việc đấy, trình tự của từng việc cá nhân, ví dụ ngày nào con tôi cũng làm như sau: rửa tay, tìm dọn bát đĩa và đặt ra bàn chờ mẹ dọn bàn ăn, ăn cơm, ăn xong xin phép rời khỏi bàn, dọn đĩa, rửa tay, súc miệng và chào cả nhà đi ngủ.
Con tôi mới chưa đến tuổi lên 5, nhưng bé đã có 3,5 năm kinh nghiệm lặp đi lặp lại trình tự này hàng ngày nên con tự tin làm chủ bản thân, làm chủ hành động của mình, do đó mẹ không cần nhắc nhở nhiều mà con vẫn biết mình sẽ phải làm gì tiếp theo.
Con trai chị hiện đã được 5 tuổi, con gái cũng sắp bước vào giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”, chị ứng xử và có lời khuyên nào với những bà mẹ có con nhõng nhẽo và không nghe lời?
Trẻ con, cũng như mọi cá thể khác, không thích bị ép buộc làm điều gì. Hãy cho con sự lựa chọn, ít thôi, nhưng là sự lựa chọn chứ không phải ra lệnh.
Và cho con cả thời gian để con biết khái niệm "tự giác". (Ví dụ: trong đĩa có thịt và rau, con có quyền ăn rau trước hay ăn thịt trước, nhưng con ăn xong phần của mình thì mẹ mới cho thêm.
Hay mẹ sẽ bảo con, 5 phút nữa mẹ sẽ dọn cơm, con có thể thu xếp dọn bàn khi nào con thích nhưng 5 phút nữa mẹ cần con và mọi thứ sẵn sàng, hay như đến h ngủ trưa của con là giờ con phải ở trên giường, ngủ hay không là tuỳ con nhưng rèm tối, cửa đóng và con nằm trên giường). Tôn trọng nhu cầu và ý tưởng của con trong khuôn khổ và giới hạn của mẹ.
Khi hư sẽ bị phạt. Khi ăn vạ sẽ không ai bênh. Khi mẹ nói không là không, và mẹ không thay đổi quyết định của bản thân mình. Có như thế con mới tin vào mẹ, mới tôn trọng khoảng không gian riêng của mẹ và của những người khác xung quanh con.
Mẹ Pháp nghiêm khắc “có tiếng” nhưng vẫn rất yêu thương con. Chị làm thế nào để có thể phạt con nhưng vẫn khiến con yêu mẹ và hiểu rằng mẹ yêu mình?
Khi con khóc vì lí do vô cớ, con hư hay con gây sự với em, tôi yêu cầu các con vào phòng của tôi, và không được ra cho đến khi nào nín khóc, xin lỗi mẹ hoặc xin lỗi em, ôm và hôn mẹ hoặc em. Tôi dạy con tôi tôn trọng người khác, nhưng đồng thời tôi cho con tôi biết có sự tha thứ và sau cùng luôn có tình yêu thương.
Cuối ngày khi con ăn no và nằm nghe mẹ kể chuyện, với giọng bình tĩnh và nhẹ nhàng nhất có thể, tôi giải thích cho cả 2 con tại sao lại bị phạt, để con hiểu cảm giác của người khác, từ đó con học được sự cảm thông.
Khi bế mãi mà con khóc không chịu ngủ, đó là vì con muốn nói với mẹ “để cho con yên”
Một phương pháp nuôi con nghiêm khắc của mẹ Tây nói chung và mẹ Pháp nói riêng từng được báo chí nhắc đến rất nhiều, đó là Phương pháp Bỏ mặc để con tự ngủ “Cry It Out” (CIO) Chị có dạy con tự ngủ theo phương pháp này?
Cả 2 con tôi đều theo phương pháp này. Tôi cho con ngủ riêng phòng riêng giường từ khi con mới 1 ngày tuổi. Tôi nhớ khi đó, sau 4h kiệt quệ bế con trên tay mà con vẫn khóc và không ngủ được, nó như một lời cảnh tỉnh với tôi, rằng có thể con khóc để nói với tôi rằng "để cho con yên".
Ngay hôm sau tôi tìm hiểu các thông tin về tự trấn an, về các phương pháp dạy con tự trấn an và tự ngủ. Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, tôi quyết định chọn theo phương pháp Cry It Out.
Con gái tôi tự ngủ từ ngày mới sinh ra. Tôi không cần dùng đến phương pháp này cho mãi đến sau này khi con lớn hơn và thời khoá biểu sơ sinh không còn phù hợp với con nữa.
Tôi nghĩ CIO hay không CIO, điều mấu chốt cơ bản là mẹ học cách tôn trọng con, hiểu và nắm biết chu kỳ sinh học của con để đáp ứng kịp thời thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Hành trình dạy con tự ngủ theo Phương pháp “Cry It Out” của chị đã diễn ra như thế nào?
Tôi dạy cho bé lớn khi bé được hơn 7 tuần. Sau 1 tuần tìm hiểu về tự trấn an, về các loại tiếng khóc của con, các tín hiệu đói và tín hiệu mệt của trẻ sơ sinh, tôi cảm giác tôi hiểu bé nhiều hơn. Tôi tập trung 2 ngày để quan sát sau đó tôi tiến hành CIO with checks. (Cho con tự ngủ nhưng vẫn có sự kiểm soát của mẹ)
Tôi bắt đầu với giấc đầu tiên của ngày, ngay khi con ra "tín hiệu" mệt, tối quấn chặt, cho con lên phòng, hôn con và đặt con vào giường, giải thích cho con đây là giờ ngủ, chúc con ngủ ngon, bật tiếng ồn trắng và ra khỏi phòng.
Con khóc. Tôi chờ 5 phút rồi đặt ti giả bên miệng con, lúc này con có nhu cầu mút để trấn an, tôi ở với con đúng 1 phút rồi đi ra. Con lại khóc. Nhưng lần này sau 3 phút là con ngủ.
Lặp lại với các giấc khác trong ngày. Đêm đó là đêm đầu tiên con ngủ liên tục 7h không dậy. Tôi cảm thấy hơi sợ, đi ra đi vào kiểm tra liên tục. Nhưng đến đêm thứ 3 thì tôi yên tâm là con đã biết ngủ và tôi đã dạy cho con tôi kỹ năng đầu tiên: khi mệt có thể tự đưa mình vào giấc ngủ; ngủ những giấc dài và sâu.
Tiếng khóc tác động mạnh đến người nghe hơn là người khóc
Có rất nhiều mẹ Việt đã từng thử phương pháp này nhưng nhanh chóng bỏ cuộc, theo chị nguyên nhân là vì đâu?
Luyện con tự ngủ khó nhất là tiếng khóc. Tiếng khóc thực tế có tác dụng mạnh nhất với người nghe hơn là người khóc, điều này tôi đọc được ở rất nhiều nơi.
Bản thân tôi nghĩ khi sinh ra mà con không khóc chắc mẹ và bác sỹ sợ chết ngất (cười). Thế nên không phải lúc nào khóc cũng là xấu, khóc là báo hiệu con đói, con mệt, con lạnh, con nóng, con chán.... và từ đó mẹ có phản ứng phù hợp.
Để thực hiện luyện con tự ngủ thành công người thực hiện không những phải xem giờ cho phù hợp với nhịp sinh học của trẻ theo từng lứa tuổi, để mắt đến "tín hiệu" của con mà tôi nghĩ quan trọng nhất là phải học cách phân biệt các loại tiếng khóc và các chu kỳ của nó.
Điều này đòi hỏi ở người thực hiện nhiều nghiên cứu, kiên trì và đương nhiên là niềm tin vào phương pháp cũng như sự hỗ trợ của gia đình và người xung quanh. Nếu thiếu những yếu tố đó, thành công là rất khó đạt được.
Hiện nay có một số bài báo cả Việt và Tây cho rằng Phương pháp Bỏ mặc để con tự ngủ “Cry It Out” là phản khoa học, chị quan niệm thế nào về vấn đề này?
Tôi không bàn luận về niềm tin của người khác, với hoàn cảnh của gia đình tôi đó là phương pháp tối ưu. Khi đứa trẻ học được cách tự ngủ, không cần trợ giúp của mẹ, không cần ngủ mới biết cách ăn và không cần ăn để ngủ, điều này tốt cho cả sự phát triển thể chất và tinh thần cho con.
Bởi sau này khi con ngủ ít đi, Khi đứa trẻ biết tự ngủ, tức là mẹ không mất hàng tiếng đồng hồ ru, nằm cạnh hay cho ngậm ti.... Mẹ có thời gian chăm sóc đứa trẻ khác, bạn đời và bản thân.
Điều này công bằng cho đứa trẻ lớn, không có cảm giác ra rìa. Và một người mẹ thoải mái và ít sức ép ăn ngủ thì có lợi cho toàn gia đình. Đó là quan niệm của tôi!
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!