Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt gồm: Chất bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin, như: B1, B2, B3, B6; các axit: Pantothenic (vitamin B5), paraaminobenzoic (PABA), folic (vitamin M), phytic; các nguyên tố vi lượng: Canxi, sắt, magiê, selen, glutathion (GSH), kali và natri...
Gạo lứt rang vàng, đun nước uống hàng ngày- là một trong số những bài thuốc quí, rất tốt cho những người bị các bệnh về xương khớp, như: Thoái hóa cột sống, thoát vị đệm, xương bị gãy lâu bình phục...
Cách rang gạo lứt và đun nước uống:
+ Rang gạo:
Trước khi rang gạo lức, chúng ta không nên vo gạo (hoặc để gạo bị dính nước), vì như vậy khi dùng có thể làm cho nhiệt độ trong người bị nóng hơn bình thường. Bắc chảo lên bếp, để nóng rồi đổ gạo vào, rắc thêm vài hạt muối ăn (muối hạt to), cho lửa nhỏ, dùng đũa khuấy đều, không nên để yên một chỗ hạt gạo sẽ bị cháy hoặc nở bung ra như hạt bỏng.
Cứ rang như vậy cho đến khi hạt gạo có màu nâu đậm hoặc vàng rộm, có mùi thơm phức là được. Mỗi lần rang khoảng 1kg gạo, sau đó cho vào lọ thủy tinh, hoặc lọ nhựa, đậy kín nắp để dùng dần.
+ Đun nước:
Cho gạo lứt đã rang vào nồi (nấu theo tỷ lệ, cứ một muỗng canh gạo với một lít nước, không nên nấu quá đặc). Khi gạo sôi, để 15 phút rồi tắt bếp, sau đó ít phút phải chắt nước ra bình, hoặc tô thủy tinh để hạt gạo đã đun không hút hết nước.
Nước gạo lứt rang không nên để lâu trong nồi quá một ngày, như vậy sẽ làm nước bị đục và có mùi thiu, nếu uống trong ngày không hết, cho vào chai để trong tủ lạnh.
Khi uống tùy theo sở thích của mỗi người, thích uống nóng thì mang hâm lại. Bã của gạo lứt khi đã gạn hết nước, bà con không nên bỏ đi, dùng ăn như cháo, giúp cho tiêu hóa tốt và làm nhẹ bụng (đối với những người thích ăn ngọt, có thể cho thêm một ít đường).
Hàng ngày ta thường dùng nước trắng (nước lọc), giờ thay bằng nước của gạo lứt, kiên trì dùng, sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh; nhất là đối với những người bị gãy xương sẽ mau liền.