Tác phẩm của family A05 tại chương trình Giá trị sống của Trường Đinh Thiện Lý. |
“Gánh Tiều” là một sản phẩm học tập thuộc chương trình Giá trị sống được triển khai trong năm học 2022-2023, thực hiện bởi học sinh family A05 do cô Hồ Thị Trang Linh phụ trách môn Ngữ văn Trường Đinh Thiện Lý chủ nhiệm.
Tập thể family A05 năng động, đoàn kết, đồng lòng lan toả những tinh hoa văn hoá tích cực. |
Tại TPHCM, Quận 5 lâu nay được biết đến là nơi an cư lạc nghiệp của cộng đồng người Hoa. Họ mở nhiều không gian giao thương, mua bán, sinh hoạt đặc trưng trong các ngôi chợ lớn như Kim Biên, An Đông, Bình Tây...
Nếu chợ là nơi thể hiện nét độc đáo trong cách sống và sinh hoạt của người Hoa thì chùa chiền, điện thờ chính là đại diện cho nét kiến trúc đặc sắc của họ.
Giữa một không gian tấp nập, náo nhiệt bởi quán xá với những món ăn truyền thống nổi tiếng như xíu mại, há cảo, bột chiên, phá lấu..., toạ lạc những ngôi chùa nổi tiếng, linh thiêng như Chùa Ông, Chùa Thiên Hậu, Tam Sơn Hội Quán,…
Không những phục vụ các hoạt động tín ngưỡng, chùa còn là nơi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn của những gánh hát Tiều vào mỗi dịp lễ Tết.
Hát Tiều là một sản phẩm nghệ thuật của người Hoa xuất hiện tại Nam Bộ nói chung và Chợ Lớn (Quận 5-6-11) nói riêng từ đầu thế kỷ XX, do những đoàn Triều Kịch lưu diễn đến từ các tỉnh Nam Trung Quốc.
Trong quá trình lưu diễn, một số diễn viên của các đoàn Triều Kịch đã ở lại Miền Nam Việt Nam, rồi nhớ nghề mà lập nên những gánh hát Tiều.
Hát Tiều được phân làm hai mô hình biểu diễn. Sân khấu bình dân thường được tổ chức biểu diễn ở các ngôi chùa, miếu; còn hào sảng hơn thì được gánh hát thuê hẳn rạp hát biểu diễn. Ban nhạc trong gánh hát Tiều thường được chia thành hai đội: “đội tùa lò cấu” gồm các loại trống và thanh la đặt ngay phía trên sân khấu và “đội hí” gồm các loại nhạc cụ thuộc bộ dây như đàn nguyệt, đàn tranh,... bố trí phía bên phải. Đây là dàn nhạc chính, đánh các bài bản theo từng vai diễn.
Đặc điểm của hát Tiều là diễn luôn một mạch từ đêm hôm trước tới sáng sớm hôm sau. Diễn xuất trong hát Tiều cũng na ná như Kinh kịch (loại kịch của Bắc Kinh – hát bằng tiếng phổ thông), Việt kịch (loại kịch của Quảng Đông và Quảng Tây – hát bằng tiếng Quảng) và có nhiều điểm giống với diễn tuồng, hát bội của Nam Bộ, nghĩa là diễn viên vừa ca hát, vừa diễn xuất điệu bộ,…
Để tìm hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này, học sinh family A05 có cơ duyên được tham dự buổi giao lưu “Người hát – nghề hát” với sự tham gia của nghệ nhân Lữ Nhị Tỷ thuộc đoàn ca kịch Thống Nhất (TPHCM).
Cô Trang Linh cho biết, xuất phát từ mong muốn của học sinh, cuộc gặp gỡ với một nghệ nhân hát Tiều chính là để hiểu kỹ hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Buổi giao lưu chỉ diễn ra trong vòng 40 phút nhưng đã đem lại cho học sinh nhiều kiến thức thú vị về loại hình hát Tiều – một nét đẹp văn hoá của người Hoa ở TPHCM.
Bạn Trần Duy Khang chia sẻ: “Khi nghe một bài hát được thể hiện bằng tiếng Tiều và tiếng Quảng Đông, em thấy rằng hai tiếng này có những điểm khác nhau rất lớn, đặc biệt là về âm đọc, giúp em cảm nhận cảm xúc trong bài hát đa dạng hơn”.
Để lan tỏa nét văn hóa đặc sắc này, nhóm học sinh đã thực hiện các sản phẩm truyền thông như đồ hoạ thông tin (infographic), thực hiện mô hình, triển lãm sản phẩm,...
Lấy cảm hứng từ cuộc đời nghệ nhân Lữ Nhị Tỷ, sản phẩm “Gánh Tiều” mang nhiều ý nghĩa không chỉ giúp mọi người hiểu hơn về cuộc đời người làm nghề hát, mà còn thể hiện câu chuyện cảm động về những nỗ lực lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Cô Trang Linh cho biết: “Gánh” mang ý nghĩa là gánh hát, một đặc điểm sinh hoạt của những nghệ nhân người Tiều. “Gánh” cũng có nghĩa là gánh mưu sinh, gánh trách nhiệm. Cuộc đời của chú Tỷ cũng giống như bao người nghệ sĩ khác: hát Tiều không chỉ là một nghề mà còn là “nghiệp” gắn với việc phải gìn giữ tiếng nói, tinh hoa văn hoá qua những vở diễn như Bao Công xử án, Tam Quốc Chí, Mạnh Lệ Quân,…
Là một trong những thành viên thuộc nhóm lên ý tưởng thiết kế, bạn Huỳnh Phạm Bảo Anh cho rằng, sản phẩm không chỉ sâu sắc ở nội dung mà còn phải độc đáo về hình thức. Chính vì vậy sau khi cân nhắc tất cả nguyên liệu, nhóm đã lựa chọn nguyên liệu chính là đất nặn cùng những thành phần tái chế khác như giấy cứng, miếng rửa chén, vải vụn,…
Bối cảnh của “Gánh Tiều” tái hiện không gian sinh hoạt nghệ thuật nằm bên trong khuôn viên của chùa Ông.
Một sân khấu được dựng lên chỉ bằng các thanh gỗ và các tấm phên được kê cao. Bên dưới sân là một khoảng sân rộng đủ để khán giả vừa xem ca kịch, vừa có thể nhâm nhi các đồ ăn vặt.
Người nghệ sĩ hát Tiều lộng lẫy trên sân khấu bao nhiêu lại giản dị, chất phác trong cuộc sống thường nhật bấy nhiêu. Họ gắn bó với những xe bột chiên, há cảo, gánh nước sâm, bông cúc, mía lau,… Chỉ đến dịp Tết truyền thống hoặc những dịp thật đặc biệt khác, các gánh Tiều mới hoạt động sôi nổi.
Các vật liệu, màu sắc, bối cảnh,… được chọn lọc kỹ càng, cẩn thận. |
Bạn Nguyễn Minh Khang, thành viên trong nhóm tìm kiếm thông tin bày tỏ cảm xúc khi nhìn thấy sản phẩm hoàn thiện:
“Lúc đầu em cảm thấy khó khăn khi tìm hiểu về một nét văn hóa mà mình chưa hề nghe đến, nhưng sau đó cùng tham gia vào nhóm tìm kiếm thông tin, em thấy rất hào hứng, càng tìm hiểu thông tin em càng thấy thật nhiều kiến thức thú vị về người Hoa mà trước đây em chưa được biết đến. Khi hiểu được ý nghĩa của việc này, em rất vui được đóng góp một phần của việc bảo tồn và duy trì một nét văn hóa đặc sắc của TPHCM.
Em mong nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động như vậy để học sinh có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn, cũng như hiểu hơn về cộng đồng đa dạng tại TPHCM nói riêng và nét đẹp của sự hòa quyện văn hóa dân tộc anh em hiện đang có ở Việt Nam”.
Tác phẩm khắc hoạ đa dạng các nét đặc trưng của người Hoa từ mưu sinh đời thường đến hết mình vì văn nghệ, đem đến những giá trị tinh thần trân quý. |
Ngày nay, nhu cầu nghe hát Tiều đã giảm đi ít nhiều, nhưng niềm đam mê mãnh liệt dành cho sân khấu và tình yêu đối với tiếng nói cổ truyền vẫn khiến ta xiết bao ngưỡng mộ. Những người nghệ sỹ nhân dân vẫn nuôi dưỡng, đào tạo các diễn viên trong nghệ thuật diễn xuất hát Tiều theo cách truyền nghề; một thầy dạy nhiều trò từ giọng hát, đến diễn xuất, điệu bộ, võ thuật...
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhịp sống hối hả làm ta đôi khi lãng quên những mạch ngầm văn hoá đã nuôi dưỡng và làm nên bản sắc con người, bản sắc dân tộc.
Trải qua hành trình tìm hiểu văn hoá nghệ thuật, “Gánh Tiều” là thông điệp mà family A05 muốn mang đến cho mọi người rằng: gìn giữ tiếng nói, tiếng hát quê hương cũng là cách để ta khẳng định bản sắc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.