Trên thế giới
Theo ước tính ở Hoa kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Trong thế kỷ 20, đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Mỗi năm, thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có 600.000 người chết do các bệnh gây ra bởi sự phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động (hút thuốc thụ động).
Có tới 80% số ca tử vong là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Tổ chức Y tế thế giới dự báo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số người bị tử vong do những căn bệnh do thuốc lá gây ra sẽ lên tới 1 tỷ người.
Tại Việt Nam
Theo Điều tra năm 2015, tuy tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành có xu hướng giảm khoảng 2% so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới khu vực thành thị giảm được 6,5%.
Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giớiTỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.
Theo điều tra tại bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam.
Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm mới chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này tăng lên 62.7%. Năm 2008, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm đã chiếm tới 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.
Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.