Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm

GD&TĐ - Chính sách cam kết việc làm nếu như được thực hiện tốt có thể giảm áp lực rất lớn đối với vấn đề đầu vào của các trường nghề hiện nay.

Giảm áp lực tuyển sinh nhờ cam kết việc làm
Giảm áp lực tuyển sinh nhờ cam kết việc làm

Học sinh có xu hướng chọn trường nghề

Hiện nay, xu hướng chọn học ở các trường nghề được học sinh quan tâm hơn và thực tế hơn khi xác định học nghề để lập nghiệp. Đặc biệt, lợi thế nhất của trường nghề hiện nay chính là vừa cho các học sinh học văn hóa từ cấp THCS lại vừa có thể hỗ trợ học nghề, ra trường có thể đi làm được luôn, ổn định kinh tế đời sống cho học sinh.

Điển hình như trường hợp của em Nguyễn Hoàng Linh quê tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Linh đang theo học tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhưng đến năm thứ 3 đã phải nghỉ ngang vì không theo đủ các tín chỉ của trường.

“Em muốn đi làm sớm, chính vì thế em đã nghỉ ngang để đi học nghề, vì đi học nghề em vừa được học, vừa được thực hành trực tiếp để xem ngành nghề đó có phù hợp với mình hay không. Ở trường nghề thời gian đào tạo cũng ngắn nên em sớm được đi làm để có tiền lương tự nuôi bản thân cho mẹ em đỡ vất vả”, em Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.

Anh Võ Văn Phụng hiện là kỹ sư bảo trì của Công ty Samsung tại Bắc Ninh. 10 năm trước, khi tốt nghiệp THPT, anh Phụng chọn học trung cấp ngành Điện công nghiệp và dân dụng ở một trường cao đẳng tại TPHCM.

Theo anh Phụng, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên anh chọn học trung cấp để tiết kiệm chi phí và mau ra trường làm việc. Điều may mắn là anh chọn được nghề phù hợp với sở thích mày mò, sửa chữa đồ điện của mình. Đến nay, thu nhập của anh được coi là ổn định khi nuôi vợ và 2 con nhỏ.

Ông Lê Văn Tuân - Giám đốc Trung tâm Phát triển nhân lực ACS cho rằng, trong thời buổi công nghệ hiện nay thì học là con đường duy nhất để có việc làm, ổn định cuộc sống, mỗi người đều phải có một nghề trong tay.

Theo ông Tuân, tỷ lệ lao động không có tay nghề ngày càng thấp và sẽ bị đào thải trong thời gian tới. Người lao động tay chân ngày càng khó tìm việc làm, nếu có việc thì thu nhập cũng không cao.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Tuân nhấn mạnh, các bạn trẻ phải biết tự đánh giá năng lực và sở thích của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn ngành nghề, cấp bậc học, trường học phù hợp.

Định hướng nghề nghiệp tương lai

Việc lựa chọn ngành, nghề cho tương lai rất quan trọng với học sinh. Vì vậy, ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi về học bổng, cơ hội việc làm để thu hút thí sinh đăng ký theo học.

Bà Dương Thị Bích - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong mùa tuyển sinh năm 2024, phía nhà trường đã tạo ra nhiều chính sách nhằm thu hút sinh viên theo học.

Chẳng hạn như việc cam kết việc làm cho thí sinh, để thực hiện hiệu quả chính sách này, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp có mô hình phù hợp với các ngành đào tạo của nhà trường.

Bà Bích cho rằng, lợi thế của các trường nghề là đào tạo ra những nhân lực có thể đáp ứng ngay yêu cầu của các doanh nghiệp. Thị trường lao động có nhu cầu tuyển lượng lớn lao động lành nghề.

“Trong năm nay, nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tuyển sinh được triển khai bằng nhiều hình thức, đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông trên các ứng dụng mạng xã hội, báo chí. Thiết thực, cụ thể nhất là chúng tôi thường đăng tải đầy đủ các thông tin về chỉ tiêu, ngành nghề, chương trình đào tạo, quyền lợi học tập, hồ sơ đăng ký trên trang web, fanpage của trường để cung cấp thông tin tuyển dụng đến người dự tuyển; có đội ngũ tư vấn trả lời giải đáp những thắc mắc, giải thích, tư vấn các ngành nghề”, bà Bích cho biết.

Theo ông Nguyễn Phong Tân – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội, chính sách cam kết việc làm nếu như được thực hiện tốt có thể giảm áp lực rất lớn đối với vấn đề đầu vào của các nhà trường hiện nay. Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cam kết được việc làm, giải quyết nhu cầu việc làm sau đào tạo khi ra trường sẽ là bài toán giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đánh giá cao, đồng nghĩa với việc khâu tuyển sinh sẽ giảm áp lực đáng kể.

“Hiện, cơ hội việc làm với sinh viên cao đẳng rất rộng mở. Như tại Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội, chính sách tuyển sinh đi liền tuyển dụng đang được nhà trường áp dụng, thí sinh đến nhập học năm nay cũng được nhà trường phân luồng đầu vào về nơi làm việc trong nước hoặc nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Thí sinh muốn làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... sẽ đăng ký học ngoại ngữ từ năm đầu”, ông Tân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ