Thông điệp gửi gen Z
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vừa có một buổi học đầy thú vị với phiên tòa giả định.
Kết hợp với Trường ĐH Luật, ĐH Huế, phiên tòa giả định tại Trường THPT Nguyễn Trãi dựa trên phiên toà có thật nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của ma túy, các hành vi liên quan đến ma túy bị pháp luật nghiêm cấm.
Thông qua phiên tòa giả định vụ án hình sự sơ thẩm về "tội tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, học sinh thấy được hậu quả và mức độ nguy hiểm của việc tàng trữ trái phép chất ma túy. Thậm chí thuốc lá điện tử cũng là hình thức kẻ xấu lợi dụng để đưa ma tuý dụ dỗ học sinh.
Phiên tòa giả định tại Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) do Trường ĐH Luật, ĐH Huế phối hợp tổ chức. (Ảnh: Trường ĐH Luật, ĐH Huế). |
Thầy Phan Quốc Duy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: “Với hình thức sân khấu hoá, học sinh được thấy rõ quang cảnh của một phiên tòa giống như thật, có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, thực thi pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu”.
Từ những tình huống, diễn biến tại phiên tòa giả định, 800 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi còn thấm hơn bài học “mạng thì ảo nhưng hậu quả là có thật”.
Theo đó, phiên toà giả định là lời khai của bị cáo Khanh, học sinh lớp 10, trong phiên tòa, nhờ có mạng xã hội mà bị cáo quen được rất nhiều bạn bè, thường xuyên được rủ đi chơi.
Cũng từ những lần đi chơi này mà Khanh kết bạn qua facebook với một người tên Hùng. Sau đó, Khanh được Hùng cho dùng thử ma tuý và 2 triệu đồng để cất giữ 1 số lượng ma túy giúp. Tuy nhiên nick đó là ảo, Khanh không liên lạc được nữa, còn mọi thông tin về Hùng đều mù mờ, không rõ ràng.
Một cảnh trong tiểu phẩm “Hẹn hò thời 4.0” do học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) thể hiện. (Ảnh: NTCC) |
Với tiểu phẩm “Hẹn hò thời 4.0” của tập thể lớp 10/25, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), các bạn trẻ đã bắt kịp xu hướng mới trong thời đại hội nhập kỷ nguyên số. Khi việc thiếu kiến thức trong sử dụng các nền tảng mạng xã hội đã trở thành cơ hội cho “tội phạm ảo” hoành hành trên không gian mạng, gây nên nguy hại trực tiếp đến gia đình và bản thân người dùng, làm tổn thất to lớn đến tài sản vật chất và tinh thần của nạn nhân.
Vậy nên, việc học sinh tuân thủ luật an ninh mạng, học cách ứng xử văn hóa và sử dụng mạng xã hội thông minh là điều cấp thiết để các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận và nắm rõ hơn về trách nhiệm của bản thân mà hoàn thiện mình.
Phong phú hình thức hoạt động trải nghiệm
Trong chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc. Các trường học ở Đà Nẵng đã linh động phương thức tổ chức dạy học, mang lại sự thích thú cho trò.
Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tổ chức tiết học trải nghiệm môn Âm nhạc với chủ đề tự hào di sản quê hương cho học sinh. Nhà trường mời các nghệ nhân bài chòi thuộc Hội Nghệ sĩ và sân khấu thành phố đến giới thiệu, chia sẻ về hình thức hô hát bài chòi, các làn điệu dân ca Khu 5. Giáo viên bộ môn Âm nhạc và học sinh cùng tham gia biểu diễn với các nghệ nhân.
Cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Nhằm đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018, nhà trường tổ chức nhiều hình thức dạy học trải nghiệm tạo sự hứng thú cho học sinh trong học tập.
Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám được các diễn viên nhà hát Tuồng hướng dẫn một số động tác biểu diễn của nghệ thuật tuồng. |
"Với môn Âm nhạc, khi học các làn điệu dân ca, tốt nhất là để các em nghe được trực tiếp từ các nghệ nhân thì mới hiểu, cảm thụ và hơn hết là góp phần giáo dục các em biết tự hào, yêu quý và giữ gìn vẻ đẹp di sản văn hóa quê hương xứ Quảng nói chung và quê hương Đà Nẵng nói riêng”, cô An chia sẻ.
Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng tổ chức cho học sinh toàn trường nghe các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói chuyện về nghệ thuật tuồng và xem biểu diễn vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến.
Em Hồ Minh Cường cùng một nhóm học sinh đã được các diễn viên hướng dẫn thị phạm một số động tác biểu diễn của tuồng. Sau khi trải nghiệm, Cường cho biết: “Chỉ là một đạo cụ nhìn trông giống cây chổi lông gà nhưng khi thì nó được hiểu là con ngựa, sang đến động tác sau đã trở thành roi ngựa. Đúng là phải hiểu được các ước lệ thì mới thấy tuồng rất hay chứ xem qua thì em không hiểu các động tác múa của diễn viên có ý nghĩa gì”.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ: “Qua nhiều buổi biểu diễn mới thấy tuy nghệ thuật tuồng với phần lớn HS còn nhiều mới lạ, có phần bỡ ngỡ nhưng rất hào hứng đón xem. Đặc biệt, với HS các trường THCS, THPT, sau buổi biểu diễn, các em còn giao lưu với các nghệ sĩ về những nhân vật tuồng tiêu biểu… Sự nhiệt thành đón nhận vở diễn của các em là niềm động viên tinh thần rất lớn đối với các nghệ sĩ. Đây cũng là cách để thu hút khán giả đến với nghệ thuật tuồng, để tuồng duy trì được sức sống trong đời sống đương đại”.