(GD&TĐ)- Làm thế nào phát huy tốt nhất vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong các trường sư phạm để các thế hệ đoàn viên, các giáo viên tương lai, trở thành giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu sau khi tốt nghiệp ra trường? Câu hỏi này được đặt ra tại hội thảo khoa học “Đoàn thanh niên với công tác nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm” diễn ra hôm nay 30/3 tại ĐHSP Hà Nội với sự tham gia của các trường ĐH, CĐ sư phạm trên toàn quốc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo . Ảnh: gdtd.vn |
Đánh giá cao vai trò của Đoàn thanh niên trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên các trường Sư phạm, các ý kiến thảo luận tại hội thảo đều nhấn mạnh đến việc gắn hoạt động Đoàn với nhiệm vụ đào tạo giáo viên và cho đó là những định hướng hết sức đúng đắn cho hoạt động Đoàn ở các trường Sư phạm trong tương lai.
Đi sâu đánh giá vai trò của Đoàn thanh niên với các hoạt động cụ thể trong quá trình đào tạo giáo viên như rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu khoa học, rèn luyện kĩ năng sư phạm, nhiều đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh các phong trào đoàn có ý nghĩa thiết thực, tránh những hoạt động mang tính phong trào, hình thức, kì cuộc; đồng thời tăng cường các mô hình hoạt động tích cực như câu lạc bộ, tọa đàm, hội thảo, hội nghị, hoạt động nhóm,...
Đáng chú ý, các tham luận đã chỉ ra tiềm năng to lớn của việc áp dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học vào công tác Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên như “giáo dục kĩ năng”, “tiếp cận quá trình theo chuẩn ISO”, “chương trình đào tạo ẩn”, “làm việc nhóm” - team-work,….
Theo GS.TS Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, từ nền tảng truyền thống và từ yêu cầu của nền giáo dục, đặc biệt là trong điều kiện chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, hoạt động Đoàn thanh niên cần có những hình thức phù hợp nhằm đóng góp tốt hơn nữa trong công tác đào tạo.
Do vậy, nhà trường yêu cầu các hoạt động Đoàn cần coi trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học và các kĩ năng mềm cần thiết cho các đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp chi đoàn (chi đoàn cán bộ, chi đoàn sinh viên). Các chi đoàn cần phải tiếp tục chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các buổi thảo luận khoa học lôi cuốn được đoàn viên tham gia. Đồng thời, cần tăng cường liên kết hợp tác, thường xuyên giao lưu giữa tổ chức Đoàn các trường ĐH, CĐ sư phạm nói riêng và với các trường trong khối ĐH nói chung.
ThS. Lê Xuân Quang - Khoa Sư phạm Kĩ thuật, Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh, nghề giáo là một nghề đặc biệt, là nghề không cho phép tạo ra những “sản phẩm” bị “lỗi”. Là nghề mà công cụ chủ yếu là nhân cách của chính bản thân người thầy. Do vậy ngoài chuyên môn thì hơn bất kì ngành nghề nào đạo đức nghề nghiệp và những phẩm chất cần thiết là rất quan trọng đối với những người làm nghề giáo. Công tác đoàn trong các trường nói chung và trường sư phạm nói riêng có nhiệm vụ quan trọng là giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa cho sinh viên. Thông qua các hoạt động giáo dục đó góp phần trang bị, hình thành và bồi dưỡng cho sinh viên về đạo đức về những phẩm chất đáng quý của người thầy giáo nó thể hiện ở đạo đức, tinh thần, phẩm chất của sinh viên có được khi hoạt động đoàn đó là: tinh thần vì mọi người, tinh thần nhân đạo, tương thân tương ái, thái độ công bằng, giản dị, khiêm tốn,...
ThS. Nguyễn Thị Lý - Đoàn trường ĐH Hồng Đức cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cho sinh viên khối Sư phạm cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đoàn viên thanh niên. Hàng năm, Đoàn trường nên có sự kết hợp với các đơn vị chức năng liên quan để tổ chức tốt hội thi nghiệp vụ sư phạm – nơi các đoàn viên thanh niên được rèn luyện nâng cao các kĩ năng thực hành sư phạm, phát huy năng lực; đồng thời xây dựng mối giao lưu, học hỏi, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các ngành sư phạm trong trường. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao chất lượng học tập, NCKH, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao, xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh, hoạt động tình nguyện, nhân đạo; tuyên dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân xuất sắc.
Từ việc đánh giá các kết quả công tác và đề xuất các phương hướng hoạt động, đại diện Đoàn trường ĐH Ngoại ngữ cho biết luôn hướng tới mở rộng mô hình hoạt động của các câu lạc bộ hướng nghiệp dành riêng cho sinh viên sư phạm trên phạm vi tất cả các khoa các tiếng khác, không chỉ khoa Sư phạm tiếng Anh. Có như vậy, những sinh viên Sư phạm mới có được môi trường thực hành và rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp một cách hiệu quả nhất và qua đó nuôi dưỡng niềm đam mê sư phạm, định hướng theo đuổi nghề nghiệp trong thời gian dài.
Giáo sinh sư phạm thực tập tại trường phổ thông |
Nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện sinh viên các trường ĐHSP, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐHSP - Đại học Huế Hoàng Anh Tuấn đưa ra hàng loạt các mô hình tổ chức hoạt động đoàn như: Mô hình tổ chức hoạt động “Ngày hội tân sinh viên” hằng năm; mô hình “Ngày hội sinh viên ra trường”: nhằm xây dựng thương hiệu nhà trường, cam kết chuẩn đầu ra của lực lượng nhà giáo tương lai với xã hội và xây dựng đội ngũ cựu sinh viên; mô hình “Đồng hành cùng học sinh thân yêu tương lai” đưa sinh viên về tham gia sinh hoạt với học sinh các trường phổ thông nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo giáo viên toàn diện, RLNVSP cho đoàn viên sinh viên; hội trại nghiệp vụ sư phạm nhằm giáo dục truyền thống đoàn thanh niên, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện kĩ năng hoạt động đoàn cho đoàn viên sinh viên; tập huấn kĩ năng mềm sinh viên; xây dựng đề án thành lập các CLB, đội, nhóm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác tổ chức, quản lí của các CLB, đội, nhóm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác học tập, NCKH và rèn luyện nghiệp vụ…
Hiếu Nguyễn