Chở học sinh đến trường
Vào buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Trường PTDTBT THCS Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) vắng 19 học sinh. Ngay trong chiều hôm đó, nhà trường đã lập danh sách và phân công các thầy cô về từng bản có học sinh nghỉ học để tìm hiểu nguyên nhân.
“Trước và sau Tết, nhà trường đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh ăn Tết vui vẻ, an toàn. Vào chiều mùng 6 Tết, mặc dù chưa đến lịch học, nhưng nhiều học sinh, chủ yếu là các em ở bán trú đã có mặt ở trường để ổn định sinh hoạt.
Nhà trường cũng tổ chức cho các em dọn dẹp vệ sinh phòng ở, phòng học, sân trường sạch sẽ, trồng cây xanh… Tuy nhiên, vẫn có một số em vắng vì bị ốm, đi thăm họ hàng chưa về hoặc nhà xa. Đặc biệt là những bản vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ như: Cà Moong, Xốp Cháo… phải đi cả đường bộ và đi thuyền, nếu không có bố mẹ chở đi thì các em vẫn phải ở nhà.
Các thầy cô đã chia nhau đến từng bản và vào thăm hỏi gia đình học sinh. Nhiều em đã được thầy cô chở luôn đến trường. Đó là các em ở bản Minh Tiến, Minh Thành… cách xa trường từ 20 – 30km. Phải “bắt trò” như thế thì mới có học sinh, vì thời điểm này, nhiều bố mẹ các em đã lên đường đi làm ăn xa. Trường PTDTBT THCS Lượng Minh có 307 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú, Thái. Trong đó, có tới 280 học sinh thuộc diện bán trú. Hiện khu nhà ở dành cho học sinh có 18 phòng, trung bình 13 – 15 em/phòng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, chật chội về cơ sở vật chất, nhưng nhà trường và các giáo viên luôn sát sao, lo lắng từ việc học hành, ăn ở, chăm sóc các em ốm đau.
|
Nâng cao chất lượng
Đóng ở “cổng trời” xứ Nghệ, Trường PTDTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có 100% học sinh là người dân tộc Mông. Vào ngày học đầu tiên sau Tết, trường vắng khá lớn với 41/346 học sinh. Trong đó 16 em nghỉ có phép, còn lại nghỉ không phép. Lý do học sinh nghỉ học, theo thầy Trần Văn Quý – Hiệu trưởng nhà trường cho biết cũng chủ yếu vì nhà xa, đau ốm, hoặc đi thăm thân ở bên Lào chưa về kịp. Tuy nhiên, ngay hôm sau đó, tất cả học sinh đã đến trường đầy đủ.
Đặc biệt, dù địa bàn xa (cách trung tâm huyện 60km), điều kiện kinh tế còn hạn chế, khó khăn, nhưng nhiều năm qua, Trường PTDTBT THCS Mường Lống luôn nằm trong tốp đầu về giáo dục của huyện Kỳ Sơn. Hàng năm, có nhiều em đạt HSG huyện, số học sinh sau THCS vào THPT chiếm 60%. Đây là tỷ lệ cao so với các trường khác trong huyện và cả các huyện miền núi khác.
Trường Tiểu học Thông Thụ 1 nằm ở xã biên giới cách trung tâm huyện lỵ Quế Phong, Nghệ An hơn 50km, có 280 học sinh thuộc các bản Mường Piệt, Mường Phú, Cà Na, Phú Lâm... Các bản này đều thuộc vùng tái định cư thủy điện Hủa Na. Mặc dù là tuần đầu tiên ra Tết, các học sinh đã đến lớp đông đủ, nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày bình thường.
“Dù là xã vùng biên nhưng đây là vùng đất hiếu học của huyện miền núi Quế Phong. Trong khoảng 10 năm gần đây hầu như không có tình trạng học sinh bỏ học. Thời điểm ra Tết hoặc sau hè, có một số em chậm đến trường, vắng học vì theo bố mẹ đi rẫy, đi thăm họ hàng xa, nhưng sau đó đều trở lại trường. Như dịp này, có em bị ốm nhưng vẫn cố gắng đến trường. Thấy tình trạng sức khỏe của em chưa tốt và đề phòng lây nhiễm chéo, các thầy cô đã động viên em “ốm thì được nghỉ học, sau đó cô giáo dạy học bù” và gọi bố mẹ đến đón em mới chịu về. Hôm sau khỏi ốm em đã tự đi học ngay”, thầy Tăng Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Với đặc thù là vùng biên giới, sau khi đón và ổn định học sinh, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Thông Thụ 1 cũng tổ chức lên đồn biên phòng, chúc năm mới các chiến sĩ bộ đội đang làm nhiệm vụ trên địa bàn. Đồng thời, Ban Giám hiệu triển khai đến từng điểm trường kiểm tra, thăm trưởng bản, nắm bắt tình hình. Chỉ đạo thầy cô giáo trở lại nhịp làm việc, bám lớp, bám trò, giữ vững chất lượng giáo dục xếp tốp đầu của huyện vùng cao Tây Bắc xứ Nghệ.