Gần 59% người cao tuổi đang làm các loại công việc khác nhau

Gần 59% người cao tuổi đang làm các loại công việc khác nhau

(GD&TĐ)-Sáng nay (4/5), Việt Nam lần đầu tiên công bố kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi (VNAS 2011).

Công bố kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam sáng 4/5. Ảnh: gdtd.vn
Công bố kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam sáng 4/5. Ảnh: gdtd.vn

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các đơn vị tiến hành cuộc điều tra này trên 4000 đối tượng độ tuổi từ 50 trở lên tại 12 tỉnh thành trên 6 vùng miền khác nhau của Việt Nam, bao gồm cả thành thị và nông thôn (Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Huế, Đắk Lắk, Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh). GS John Knodel – Đại học Michigan, người nổi tiếng có kinh nghiệm về điều tra xã hội học hỗ trợ cuộc điều tra này.

Số liệu điều tra mô tả các đặc điểm kinh tế, xã hội, tình hình sức khỏe, xu hướng bệnh tật, đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu chăm sóc và được chăm sóc cũng như việc tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội và dịch vụ y tế của người cao tuổi Việt Nam. Đây sẽ là đầu vào quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách cho người cao tuổi Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, 64% người cao tuổi biết đọc và viết dễ dàng, người càng cao tuổi, nữ giới, người ở nông thôn và người dân tộc thiểu số có tỷ lệ biết đọc, viết hoặc cả đọc và viết đều thấp hơn nhiều so với người ít tuổi, nam giới, người ở thành thị và người Kinh.

Phần lớn người cao tuổi đang có vợ/chồng hoặc goá vợ/chồng. Tình trạng hôn nhân khác (như ly thân, ly dị, chưa kết hôn bao giờ) chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tỷ lệ gia đình từ 3 thế hệ trở lên chiếm khoảng 38%. Người càng cao tuổi thì có tỷ lệ sống trong hộ gia đình từ 3 thế hệ trở lên cao hơn nhóm người trẻ tuổi hơn. Phần lớn người cao tuổi vẫn sống với con cháu (69,5%). Tuy nhiên, theo báo cáo của UNFPA (2011), con số này giảm nhiều trong thời gian qua (từ hơn 80% năm 1993 xuống khoảng 70% năm 2008). Người cao tuổi sống cô đơn có sự khác biệt rõ rệt về tuổi, giới tính và khu vực sống.

Đáng chú ý, theo điều tra này, tỷ lệ người cao tuổi được đối xử không tốt (bị nói nặng lời; bị từ chối nói chuyện; bị đánh đập hoặc đe doạ) không cao, nhưng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm dân số. Trong số các hành vi đối xử này thì tỷ lệ người cao tuổi bị nói nặng lời là cao nhất.

Khoảng 1/3 người cao tuổi sống trong nhà kiến cố và 60% sống trong nhà bán kiên cố. Người càng cao tuổi thì tỷ lệ sống trong nhà tạm càng cao.

Hầu hết người cao tuổi sống trong hộ gia đình có sử dụng điện lưới (99.5%). Tỷ lệ hộ gia đình người cao tuổi có điều kiện vệ sinh tốt (có nhà vệ sinh tự hoại hoặc bán tự hoại) khá cao (hơn 80%). Tuy nhiên, chỉ có 31% hộ gia đình người cao tuổi  có nước máy dùng cho cả uống và sinh hoạt hàng ngày

Gần 59% người cao tuổi đang làm các loại công việc khác nhau. Người càng cao tuổi thì tỷ lệ làm việc càng thấp. Người sống ở nông thôn có tỷ lệ đang làm việc cao hơn người sống ở thành thị. Khoảng 85% người cao tuổi tự làm việc, trong đó phần lớn là tự làm nông nghiệp. Công việc này cũng là công việc mà phần lớn người cao tuổi  làm lâu nhất (khoảng 50%). Nguyên nhân chủ yếu mà người cao tuổi không làm việc là vì vấn đề sức khoẻ.

Tính trung bình, khoảng 60% thu nhập của người cao tuổi là từ hai nguồn: làm việc (29.4%) và từ hỗ trợ của con cái (31.9%). Tương tự, các khoản trợ cấp xã hội và lương hưu chiếm khoảng 25% thu nhập của người cao tuổi .

Tự đánh giá về tình hình tài chính của gia đình, có đến 63% người cao tuổi cho rằng cuộc sống còn thiếu thốn. Khoảng 35% cho rằng rằng cuộc sống đầy đủ và chưa đến 2% nói rằng cuộc sống rất đầy đủ. Khoảng 14% người cao tuổi đang sống trong hộ nghèo.

Nhìn chung, tỷ lệ người cao tuổi hiểu biết về quyền lợi dành cho người cao tuổi không cao. Chỉ có quyền được hưởng trợ cấp hoặc mừng thọ có tỷ lệ người cao tuổi biết trên 50%, còn lại các quyền lợi khác thì tỷ lệ người cao tuổi biết rõ còn khá khiêm tốn.

Cũng theo nghiên cứu, có tới trên 50% số người cao tuổi được phỏng vấn cho rằng tình trạng sức khỏe hiện tại là yếu hoặc rất yếu. Đau đầu, chóng mặt, đau khớp, đau lưng là các triệu chứng thường gặp nhất ở người cao tuổi . Trong số người cao tuổi phải trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, gần 50% trong số họ không đủ tiền để chi trả cho các dịch vụ này.

Đáng chú ý, theo điều tra này, hầu hết người cao tuổi ở các nhóm tuổi, kể cả nam và nữ, sống ở nông thôn hay thành thị đều có tần suất hút thuốc hàng ngày. Trung bình người cao tuổi uống khoảng 3 cốc/chén rượu bia trong một ngày trong vòng 6 tháng gần đây.

Về cảm giác buồn hoặc thất vọng, tỷ lệ người cao tuổi có cảm giác này ít nhất một vài lần trong tuần là khoảng 40%. Tỷ lệ người cao tuổi có cảm giác buồn hoặc thất vọng hầu như cả tuần dao động từ 7-8%, song tăng lên gần gấp hai ở nhóm người cao tuổi trên 80 tuổi (15.5%). Có gần 30% người cao tuổi  trả lời không thể chia sẻ với ai khi cảm thấy không vui hoặc buồn.

Nghiên cứu này cũng đề cập đến vấn đề tương đối tế nhị là xu hướng hoạt động tình dục trong nhóm người cao tuổi đã kết hôn và hiện tại đang cùng sống với vợ/chồng. Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi có QHTD trong vòng 6 tháng trước khi phỏng vấn là trên 50%. Tỷ lệ này là 71.8% ở nhóm NCT từ 50-59 song bắt đầu giảm mạnh ở các nhóm lứa tuổi tiếp theo. Ở nhóm tuổi trên 80, vẫn còn có khoảng 6% NCT có QHTD trong vòng 6 tháng trước khi phỏng vấn... 

Đan Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ