Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 46,5% phụ huynh có kiến thức về sức khoẻ sinh sản ở mức trung bình.
Đây là con số được đưa ra trong buổi lễ khởi động dự án “Tự tin là chính mình” vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hợp tác triển khai và được tài trợ bởi tập đoàn Kimberly Clark.
30% không được tiếp cận thông tin
Dự án được triển khai với mong muốn giúp các em gái vị thành niên sống ở vùng đô thị và cộng đồng dân tộc thiểu số tại nông thôn có thể tự tin vượt qua kỳ nguyệt san. Đồng thời, hỗ trợ các em tự đưa ra quyết định liên quan đến sức khoẻ sinh sản.
Dự án sẽ được triển khai trong 3 năm (từ 2020 - 2023) tại 2 tỉnh, thành phố: Tỉnh Quảng Bình (huyện Minh Hoá và thành phố Đồng Hới); Thành phố Hà Nội (huyện Ba Vì và một số trường THCS, THPT).
Theo thống kê tại Việt Nam, trên 30% thanh thiếu niên thiếu khả năng tiếp cận với những thông tin cần thiết về vệ sinh kinh nguyệt, sức khoẻ sinh sản và tình dục. Trong khi đó, kết quả khảo sát của dự án “Tự tin là chính mình” cho thấy, có 37,6% nữ sinh thiếu kiến thức và trên 40% chưa thực sự quan tâm đến vấn đề vệ sinh kinh nguyệt.
Cũng theo nghiên cứu, tỷ lệ trẻ em gái đã có kinh nguyệt khoảng trên 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hành vệ sinh ở mức trung bình và kém là trên 80%. Theo đó, những trẻ này không biết cách xử trí hợp lý khi lần đầu có nguyệt san. Các em không biết dùng băng vệ sinh đúng cách, cũng như vượt qua cơn đau hoặc sự khó chịu khi đến kỳ.
Đa số trẻ em gái chia sẻ những vấn đề này với mẹ. Tuy nhiên, không ít cha mẹ chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đúng về chăm sóc sức khoẻ, bao gồm vấn đề vệ sinh kinh nguyệt.
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, 46,5% phụ huynh có kiến thức ở mức trung bình. Thậm chí, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm trùng cơ quan sinh sản ở phụ nữ từ 15 - 49 tuổi là khoảng trên 50%.
Tiếp cận phù hợp với văn hóa
Chia sẻ về tình trạng này, bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết, dự án được triển khai vì một thế giới bình đẳng cho trẻ em. Trẻ em gái sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng thông qua hoạt động, tự tin hơn trong vấn đề sức khoẻ sinh sản.
Phụ huynh và giáo viên cũng là người hỗ trợ các em về vấn đề vệ sinh kinh nguyệt. Bà Hương đồng thời bày tỏ mong muốn nhiều trẻ em gái được tiếp cận với kiến thức sức khoẻ sinh sản, trong đó có vệ sinh kinh nguyệt.
Trong khi đó, bà Sharon Kane - Giám đốc Quốc gia Plan Việt Nam chia sẻ, qua chương trình ở 75 nước, cuộc sống của 100 triệu trẻ em gái có thể được thay đổi.
“Tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn giúp đỡ khoảng 2 triệu trẻ em gái, để các em tự quyết định về cuộc sống, học tập. Trẻ em gái sẽ được cung cấp kiến thức về sức khoẻ sinh sản, tình dục và quản lý kỳ kinh nguyệt”, bà Kane nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Thu Thủy - Giám đốc dự án “Tự tin là chính mình”, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, trẻ em gái sẽ được tiếp cận với kiến thức trong vấn đề này một cách phù hợp về văn hoá. Nhờ đó, giúp các em tránh gặp những lúng túng ban đầu trong ngày đầu tiên của tuổi dậy thì.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã lồng ghép chương trình giáo dục sức khoẻ sinh sản trong các trường học, thông qua phát triển chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi.
Kết quả khảo sát đầu vào của dự án cho thấy, hiện tại trong các trường học có đề cập tới vấn đề sinh sản, nhưng tập trung nhiều vào các khía cạnh sinh học và khoa học của sinh sản. Thay vào đó, chương trình chưa đề cập nhiều đến sức khoẻ sinh sản tuổi dậy thì, sức khỏe sinh sản nói chung và tình dục.
Dự án mong đợi sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 27.880 thanh thiếu niên, giáo viên trong 40 trường THPT, THCS và tiểu học tại Hà Nội, Quảng Bình. Bên cạnh đó, dự án sẽ cung cấp thông tin cho 224.000 thanh thiếu niên, phụ huynh học sinh trong cộng đồng thông qua các ấn phẩm truyền thông trực tiếp, phương tiện truyền thông đại chúng, sự kiện truyền thông trong cộng đồng.