Gần 1,6 triệu học sinh không có thiết bị học trực tuyến

GD&TĐ -Tổng hợp số liệu tại 22 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho thấy, gần 1,6 triệu em không có thiết bị, chiếm 24,81% tổng số học sinh đang học trực tuyến.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Chuẩn bị cho phát động Chương trình “Máy tính cho em” và để hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh tại vùng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Cục Cơ sở vật chất, Công nghệ thông tin, Vụ Giáo dục thể chất  (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Sở GD&ĐT của 26 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội đã rà soát, thống kê số học sinh không có thiết bị do hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến ngày 11/9, báo cáo từ 22 Sở GD&ĐT cho biết, số học sinh đang học trực tuyến là 6.070.626 em. Số học sinh không có thiết bị học trực tuyến là 1.509.889 em, chiếm tỷ lệ 24,81%.

Trong đó, số học sinh thuộc hộ gia đình nghèo là 250.879 em (16,61%); Số học sinh thuộc hộ gia đình cận nghèo là 213.317 em (14,12%); Số học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác: 344.769 em (22,83%).

Các địa phương có học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo cao như: Sơn La (66.547 hộ nghèo, 25. 316 hộ cận nghèo); Đắc Lắk (62.736 hộ nghèo, 45.203 hộ cận nghèo); TP Hồ Chí Minh (11.932 hộ nghèo, 18.001 hộ cận nghèo); Kon Tum (14.640 hộ nghèo, 16.332 hộ cận nghèo)...

Số học sinh thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn khác (trẻ mồ côi, con em gia đình chính sách) được đánh giá theo tiêu chí của Bộ LĐ,TB&XH.

Một số địa phương có tỉ lệ học sinh không có máy tính, máy tính bảng, tivi để học cao như Bình Thuận (86,50%), Bạc Liêu (75,89%), Kon Tum và Tây Ninh (đều 53,19%), Hậu Giang (47,98%), Long An (41,64%), Đắk Lắk (39,89%), Quảng Ngãi (36,85%), Đồng Tháp (35,50%), Trà Vinh (34,69%)...

Địa phương có tổng số học sinh đang học trực tuyến cao là Hà Nội (1.573.885 em), TP Hồ Chí Minh (1.269.770 em), Bình Dương (374.596 em), Đắck Lắk (352.801 em) và Sơn La (204.418 em)...

Gần hai năm vừa qua kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều người lao động không có việc làm, thu nhập giảm, không đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên những học sinh thuộc các gia đình này cũng không có khả năng mua sắm thiết bị để học trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ