(GD&TĐ) - Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, số nợ quá hạn đối với các khoản vay của học sinh, sinh viên chỉ chiếm 0,6%, trong khi đó nợ quá hạn chung của Ngân hàng Chính sách xã hội là 1,3%.
Hướng dẫn SV làm thủ tục vay vốn |
Chỉ tính riêng trong năm 2011 Ngân hàng Chính sách xã hội đã thu nợ gần 1.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 100% sinh viên trả nợ đúng hạn.
Để đảm bảo an toàn nguồn vốn, hạn chế việc không thu hồi được nợ sau khi sinh viên ra trường, Ngân hàng đã triển khai cho vay theo hình thức các gia đình làm đại diện đứng ra vay vốn cho con em học tập thông qua các tổ chức chính trị, xã hội ở các địa phương do Ngân hàng ủy thác.
Thông qua 203.000 tổ tiết kiệm vay vốn với khoảng gần 11.000 điểm giao dịch trong cả nước, đến nay hàng triệu học sinh, sinh viên nghèo ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đã được vay vốn ưu đãi để nối tiếp ước mơ học tập.
Như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã và đang được chuyển đến các gia đình khó khăn có con em theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là một trong những chương trình lớn, tạo cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo, học sinh sinh viên nghèo trong cả nước. Chương trình này đã góp phần trong việc đào tạo một số lượng không nhỏ đội ngũ nhân lực, trí thức trẻ, đồng thời đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương, nhất là ở những địa bàn khó khăn.
Được biết, liên bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH vừa ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế phối hợp cung cấp thông tin cho Trang thông tin điện tử "Vay vốn đi học", phục vụ quản lý công tác tín dụng đối với HSSV.
Theo đó, cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề cung cấp danh sách HSSV có nhu cầu vay vốn đã được cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề cấp Giấy xác nhận, cung cấp các thông tin về đóng học phí và hiện trạng học tập của HSSV thuộc đối tượng được vay vốn.
Đồng thời, cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề cung cấp, cập nhật kế hoạch ra trường của các khóa học, cung cấp danh sách HSSV tốt nghiệp ra trường để phục vụ cho việc cập nhật thông tin về quản lý vốn vay.
Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đang còn dư nợ tín dụng HSSV, khi chấp nhận hồ sơ xin việc, nhà tuyển dụng yêu cầu các thông tin về việc HSSV có vay vốn tín dụng HSSV hay không. Qua phỏng vấn hoặc xác minh trên Trang thông tin điện tử "Vay vốn đi học", rằng HSSV đã vay vốn và hiện còn dư nợ, nhà tuyển dụng yêu cầu HSSV cung cấp thêm thông tin về tên lớp học, khoa, khóa học, tên cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề khi vay vốn.
PV