Gần 1 tháng, Thừa Thiên - Huế ghi nhận hơn 16.000 ca đau mắt đỏ

GD&TĐ - Ghi nhận tại tỉnh Thừa Thiên - Huế từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 16.000 ca đau mắt đỏ.

Bệnh viện Mắt Huế khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ. (Ảnh: H.D)
Bệnh viện Mắt Huế khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ. (Ảnh: H.D)

Ngày 25/9, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại tỉnh này từ đầu tháng 9 đến nay ghi nhận 16.550 ca đau mắt đỏ.

Người bệnh tập trung đến khám tại cơ sở công lập đông nhất là Khoa Khám bệnh và Trung tâm Mắt (Bệnh viện Trung ương Huế) và Bệnh viện Mắt Huế.

Ngoài ra, còn nhiều người bệnh đến khám tại các cơ sở tư nhân chưa được thống kê.

Tại Bệnh viện Mắt Huế, số lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tăng, mỗi ngày có khoảng 31 trường hợp.

Ở Bệnh viện Trung ương Huế, cao điểm có những ngày ghi nhận từ 60 đến 70 bệnh nhân đến khám, nhiều nhất là trẻ em ở độ tuổi học sinh tiểu học và mầm non.

Trong 1 tháng gần đây, Trung tâm Mắt (Bệnh viện Trung ương Huế) đã khám và điều trị cho hơn 400 trường hợp, chưa ghi nhận ca bệnh trở nặng.

Hiện Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở liên quan và các các cơ sở y tế trên địa bàn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Các trường học, đặc biệt là trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học phải đảm bảo vệ sinh trường lớp; thường xuyên làm sạch bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh, giáo viên.

Sở này lưu ý, các trường học, cơ sở y tế cần đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ cho giáo viên, học sinh và phụ huynh; tạo sự đồng thuận của phụ huynh, không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ đã có chỉ định nghỉ học nhưng lại đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.