Gác việc nhà, giáo viên “xông pha” chống dịch

GD&TĐ - Quận Sơn Trà được xem là “điểm nóng” của dịch bệnh tại Đà Nẵng. Khi dịch ập đến, bất chấp cái nắng khắc nghiệt của miền Trung, các thầy, cô giáo tạm rời xa bục giảng để cùng xông pha ra “mặt trận” chống dịch.

Cô Phạm Thị Kim Hằng đang hỗ trợ kiểm tra giấy tờ của người đi đường.
Cô Phạm Thị Kim Hằng đang hỗ trợ kiểm tra giấy tờ của người đi đường.

Gác việc trường, việc nhà

Những ngày qua, tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở quận Sơn Trà có sự tham gia của các tình nguyện viên là giáo viên đến từ trường học trong địa bàn quận.

Trưa 9/8, PV Báo GD&TĐ có mặt tại chốt kiểm soát dịch điểm giao đường Phạm Cự Lượng – Võ Văn Kiệt, đây là một trong hàng chục chốt kiểm soát dịch trên địa bàn quận Sơn Trà. Tại đây, chốt kiểm soát này có 2 giáo viên của trường tiểu học và THCS hỗ trợ các lực lượng khác.

Dưới nắng nóng như đổ lửa, trong trang phục chống nắng, đầu đội chiếc nón lá, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, cô Phạm Thị Kim Hằng - giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Quang Trung (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, gần 2 tuần nay xung phong làm nhiệm vụ gác chốt tại ngã tư Phạm Cự Lượng (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà).

Trang bị khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay, mũ áo chống nắng để tự bảo vệ bản thân, công việc của cô Hằng là phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch, kiểm tra giấy tờ của người dân khi ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện Chỉ thị 05 của UBND TP Đà Nẵng.

“Chồng tôi cũng là bộ đội, trực chiến và chống dịch tại đơn vị 4 tháng nay không về. Hai vợ chồng nhiều tháng qua đã không gặp mặt, chủ yếu là điện thoại động viên nhau. Bản thân tôi cũng muốn đóng góp một chút công sức cho việc chống dịch ở thành phố.

Những lần dịch trước tôi đều tham gia trực tại các chốt. Lần này, khi nghe trường vận động giáo viên ra đứng hỗ trợ tại các chốt kiểm soát dịch, tôi đăng ký ngay và được chồng ủng hộ. Hằng ngày, tôi phối hợp với lực lượng công an, đoàn thanh niên... kiểm soát người, phương tiện qua lại chốt giáp ranh giữa các phường với nhau và người dân khi ra đường”, cô Hằng chia sẻ.

Theo cô Hằng, công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa các ngày trong tuần. Có ngày trực xong, cô tiếp tục ở lại để giúp đỡ lực lượng tại chốt.

Cô Hằng tâm sự: “Mấy ngày nay, nắng nóng nên đứng tại các chốt rất vất vả. Mọi người lại động viên nhau cố gắng vượt qua, vì nhiều nhân viên y tế còn khổ hơn mình. Có những lúc đi trực cả ngày về mệt quá tưởng chừng như không dậy nổi, thế nhưng vì trách nhiệm, cộng đồng nên tôi phải cố gắng không được buông xuôi, đến chốt đúng giờ để làm việc”.

Theo quan sát, vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện lưu thông qua đây chủ yếu là người dân đi mua lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế đi làm… Không chỉ đơn thuần kiểm tra giấy phép lưu thông qua địa bàn, các giáo viên còn kiêm “tuyên truyền viên” để giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu chủ trương và các quy định về phòng, chống dịch của thành phố. 

Cô Nguyễn Thị Kim Diệu kiểm tra giấy đi đường của người dân.
Cô Nguyễn Thị Kim Diệu kiểm tra giấy đi đường của người dân. 

2 vợ chồng giáo viên cùng chống dịch

Cùng đứng chốt với cô Hằng là cô Nguyễn Thị Kim Diệu – giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Chồng cô Diệu là thầy Nguyễn Đặng Anh Khoa, giáo viên Trường THCS Lê Độ (TP Đà Nẵng) cũng tham gia hỗ trợ khi bắt đầu bùng phát dịch trở lại. Nhiệm vụ của thầy Khoa là hỗ trợ vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm, tại các điểm cách ly F1 trên địa bàn quận.

Dịch dã bùng phát mạnh hơn, cô Diệu cũng đăng ký tham gia đứng chốt kiểm soát dịch để hỗ trợ thành phố. Buổi sáng, 2 vợ chồng cô Diệu chở nhau đi làm “nhiệm vụ”. Chiều tối lại chở nhau về nhà, 2 đứa con của thầy cô ở nhà tự chăm sóc nhau.

“Từ hồi bùng phát dịch tới giờ, 2 vợ chồng tôi đi hỗ trợ cho các chốt. Ở nhà, con gái lớn năm nay học lớp 9 tự nấu ăn, lo cho em đang học lớp 3. Nói chung cũng khó khăn nhưng cố gắng vượt qua, dịch dã ai cũng vất vả chứ không chỉ riêng 2 vợ chồng tôi.

Mặc dù mệt nhưng mình vui khi làm việc này, bởi đã đóng góp được một phần công sức trong cuộc chiến chống dịch của thành phố. Chỉ mong sớm hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường”, cô Diệu cười nói.

Ông Võ Xuân Nhân, Chủ tịch UBND phường An Hải Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nhận định: Trước khi nhận nhiệm vụ, giáo viên được hướng dẫn quy trình nhằm hỗ trợ lực lượng trong vấn đề kiểm tra giấy đi đường của người dân. Qua thời gian ngắn làm việc, thầy cô đã thể hiện sự xông pha, nhiệt tình, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng phòng chống dịch trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành đúng chủ trương của thành phố trong lúc dịch bệnh đang phức tạp.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, quận Sơn Trà liên tục ghi nhận ca nhiễm Covid-19, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đã đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, quận, huyện huy động nhân lực của các cơ quan, đơn vị hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Hiện, ngành Giáo dục quận Sơn Trà có khoảng 250 thầy cô giáo đăng ký tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.