Quá trình làm việc cũng có nhiều tình huống phát sinh, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải ứng biến, linh hoạt.
Tinh tế, tỉ mỉ
Từng tham gia một số lần thanh tra, kiểm tra Kỳ thi THPT quốc gia và Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ThS Phạm Thùy Thu - Trưởng phòng Thanh tra và Pháp chế (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng: Yếu tố đầu tiên là tập huấn thật tốt nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên tham gia thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra cần xây dựng kế hoạch chi tiết trước khi đến sở GD&ĐT làm nhiệm vụ. Đồng thời chủ động liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thi của địa phương để nắm bắt tình hình tại các điểm thi như: An ninh chính trị, trật tự - xã hội, cơ sở vật chất...
Đặc biệt, mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra cũng nên chuẩn bị phương án dự phòng để xử lý tình huống ngoài dự kiến. Theo đó, thầy cô có thể xây dựng một số tình huống giả định để ứng phó kịp thời, nếu không may xảy ra sự cố. “Ví dụ: Trường hợp giám thị đang coi thi trong phòng bất ngờ bị cảm, khi đó điểm trường sẽ hỏi cán bộ thanh tra, kiểm tra và chúng ta phải có phương án xử lý và tư vấn giúp họ.
Hoặc trên đường đến làm nhiệm vụ coi thi, không may giám thị gặp tai nạn giao thông… Đây là tình huống bị động, không biết trước nên đòi hỏi cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra phải bình tĩnh xử lý. Tuy nhiên, nếu chúng ta chủ động các phương án giả định sẽ không bị lúng túng khi xuất hiện những tình huống thật” - ThS Phạm Thùy Thu trao đổi.
Cũng theo ThS Phạm Thùy Thu, khâu kiểm tra, kiểm soát cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi cũng vô cùng quan trọng. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhạy bén của cán bộ thanh, kiểm tra. Chẳng hạn, khi kiểm tra các bình phòng cháy, chữa cháy, nếu kiểm tra sơ sài, không để ý rất có thể đã hết hạn sử dụng. Hay kiểm tra camera an ninh giám sát tại các phòng chứa đề thi hoặc phòng chấm thi… nếu không cẩn thận có thể dẫn đến những điều không mong muốn.
“Có lần, tôi kiểm tra camera an ninh và nhận thấy: Cài đặt thời gian trong máy so với giờ thực tế lệch từ 15 - 30 phút. Với khoảng thời gian này đủ cho người có ý đồ gian lận thay đổi cục diện. Khi phát hiện sự sai lệch này, tôi đã có ý kiến với Ban Chỉ đạo thi, điểm thi và đề nghị cán bộ kỹ thuật cài đặt lại thời gian của camera an ninh cho khớp với thời gian thực tế” - ThS Phạm Thùy Thu kể lại.
Một lần khác, đoàn kiểm tra của ThS Phạm Thùy Thu đến điểm thi có khuôn viên rộng, nhưng tường rào và một số cửa sổ phòng thi chưa đạt yêu cầu của Quy chế thi. Thậm chí, trong trường có nhà công vụ, giáo viên và người nhà vẫn sinh sống ở đó. Khi đoàn kiểm tra có ý kiến, phía cơ sở viện đủ lý do khó khăn và họ không muốn khắc phục các vấn đề trên.
“Tuy nhiên, sau khi làm công tác tư tưởng, dân vận, thậm chí “xắn tay áo” làm cùng, nhược điểm trên được khắc phục trước khi diễn ra buổi thi đầu tiên. Những người sinh sống trong nhà công vụ cũng tự nguyện ra ngoài ở chờ hết giờ thi mới về. Qua đây mới thấy, làm thanh tra, kiểm tra không phải lúc nào cũng nguyên tắc, rập khuôn, mà nhiều lúc cần mềm dẻo, dân vận khéo, mục đích cuối cùng không để xảy ra sai sót trong kỳ thi, trường thi được nghiêm cẩn, góp phần tạo nên kỳ thi thành công toàn diện” - ThS Phạm Thùy Thu bộc bạch.
Nhạy cảm và chủ động ứng biến
Năm nay, Bộ GD&ĐT huy động 60 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Hải Phòng tham gia đoàn kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có ThS Đỗ Thị Thắng – Trưởng phòng Thanh tra, Pháp chế. Từ kinh nghiệm thực tế, ThS Đỗ Thị Thắng chia sẻ: Ngoài yếu tố phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, mỗi cán bộ trong đoàn kiểm tra phải nắm chắc Quy chế thi, vững chuyên môn nghiệp vụ.
Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện tình huống sai sót, cần bình tĩnh xử lý, đúng quy chế. Tinh thần là: Trung thực, khách quan, công bằng, nghiêm minh. “Theo kinh nghiệm bản thân, trong buổi đầu tiên tiếp cận điểm thi, tôi sẽ kiểm tra, quan sát hiện trạng như: Phòng thi, tường rào, hệ thống camera, phòng chứa bài thi, đề thi…, sau đó lập bản ghi nhớ để các bên ký xác nhận. Nếu khâu nào chưa đạt yêu cầu thì có ý kiến đề nghị điểm thi khắc phục ngay” - ThS Đỗ Thị Thắng bật mí.
ThS Đỗ Thị Thắng viện dẫn: Năm ngoái, khi kiểm tra một điểm thi ở Hội đồng thi tỉnh Nam Định, đoàn kiểm tra phát hiện: Phòng chờ chưa dán đủ các tem niêm phong theo quy định nên đã yêu cầu điểm thi bổ sung trước khi diễn ra buổi thi đầu tiên. “Kiểm tra càng sát sao, tỉ mỉ càng tốt. Có như vậy mới hạn chế những sơ suất không đáng có” - ThS Đỗ Thị Thắng nhấn mạnh.
Nhắc lại sự cố ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi” của giám thị coi thi ở Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ở tỉnh Bắc Ninh, PGS.TS Triệu Hùng Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) chia sẻ: Ngoài việc quan sát, cán bộ thanh tra, kiểm tra cũng cần tinh tế, nhạy cảm với những dấu hiệu bất thường để có hướng giải quyết phù hợp.
“Khi chúng tôi nhìn thấy một số thí sinh ra khỏi phòng thi với tinh thần bất ổn, có em “nước mắt ngắn, nước mắt dài”. Trò chuyện với các em, chúng tôi biết sự cố ký nhầm của cán bộ coi thi. Đây là tình huống thực tế, không tài liệu, sách vở nào dạy, đòi hỏi người làm thanh tra, kiểm tra phải nhanh nhạy ứng biến. Đoàn đã đề nghị họp Ban Chỉ đạo thi và đề xuất tổ chức cho các em thi lại môn thi đó vào hôm sau” - PGS.TS Triệu Hùng Trường chia sẻ.