Gà Hồ - “Linh kê” tiến vua vùng Kinh Bắc

Gà Hồ - “Linh kê” tiến vua vùng Kinh Bắc

Nhiều người còn cho rằng đó là kiệt tác nghệ thuật của tạo hóa. Hình tượng gà Hồ trong tranh Đông Hồ thể hiện sự đại cát, thịnh vượng… Thịt gà Hồ hồng, chắc ngọt và thơm ngon. Xưa, dân làng nuôi gà Hồ để tiến vua.

“Đệ nhất đô vật” làng gà

Gà Hồ có ngoại hình cường tráng, được mệnh danh là “đệ nhất đô vật” trong làng gà. Trọng lượng của gà trưởng thành có thể đạt từ 4 - 7kg. To lớn là thế nhưng gà Hồ lại rất hiền lành, gần gũi với con người. Gà trống Hồ chỉ có 2 màu lông là mã mận (đỏ mận) và mã lĩnh (đen), tuyệt đối không có lông trắng. Trước lúc gáy nó ưỡn ngực ra dang rộng hai cánh vỗ phành phạch trông như lực sĩ thể hình trên sàn diễn. 

Tiếng gáy âm vang cả làng nghe thấy. Tiếng gáy của gà Hồ mang âm vực riêng: Ấm, dày với dải âm dài và vang. Theo quan niệm của dân gian, con gà trống Hồ khi trưởng thành sẽ hội tụ đủ 5 phẩm chất của bậc quân tử. Mào gà tượng trưng cho chiếc mũ của quan văn (văn); cựa gà chắc khỏe tượng trưng cho thanh kiếm (võ); sự anh dũng chiến đấu bảo vệ đàn (dũng); biết chia sẻ khi kiếm được mồi (nhân); luôn dậy sớm gáy đúng giờ để báo thức một ngày mới (tín). Gà mái Hồ cũng hội tụ đủ các đặc điểm của con gà trống nhưng khác là có 3 màu lông, đẹp nhất là mã thó (trắng màu đất thó), rồi đến mã sẻ (màu lông chim sẻ) và mã nhãn (màu quả nhãn chín).

Gà Hồ có từ bao giờ và vì sao lại có tên gọi như vậy? Theo các bậc cao niên làng Lạc Thổ, giống gà Hồ được thuần hóa, nuôi dưỡng tại địa phương cả nghìn năm trước và tên tuổi của nó gắn với dòng tranh dân gian Đông Hồ. Do giống gà này to lớn, ngộc nghệch, lại tồ tệch, thân thiện với người nên người xưa đã đặt cho chúng cái tên rất dễ thương, đó là... gà Tồ. Nhưng bởi vì làng Lạc Thổ (đất vui) còn có tên nôm là làng Hồ nên chúng còn được gọi là gà Hồ Lạc Thổ, nay gọi tắt là gà Hồ. Gà Hồ gắn với tục lệ nuôi gà thờ trong lễ khao trầu vào ngày 4 tháng Giêng của những người đến tuổi 55. 

Lạc Thổ xưa chia thành 17 giáp, mỗi giáp tự định số người được nuôi gà thờ để dự thi. Tiêu chuẩn gà dự thi sau khi luộc chín phải cân nặng tối thiểu bằng 3 quan tiền (khoảng 4 kg). Những con không đủ trọng lượng phải bù bằng tiền và phạt một thành hai… Trải qua năm tháng chiến tranh, biến động của xã hội, phần do kinh tế eo hẹp, phần chạy theo cơ chế thị trường giống gà Hồ dần bị mai một, lai tạp, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng…

Quyết tâm khôi phục giống gà quý

Gà Hồ - “Linh kê” tiến vua vùng Kinh Bắc ảnh 1
Chú gà trống nặng gần 6kg của gia đình ông Nguyễn Đăng Chung.

Khoảng giữa năm 1991, trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí của làng, các cụ cao niên đã kể lại những tục lệ xưa như: Thi gà, nuôi gà tiến vua... Chính từ câu chuyện đó một số người tâm huyết đã có ý tưởng khôi phục lại giống gà Hồ, dù khi đó nó đã bị lai tạp nhiều. Hơn một năm sau đó, tháng 10/1992, nhóm nuôi gà Hồ được tập hợp với một số cụ có tâm huyết, có kinh nghiệm như: Cụ Bản, cụ Hậu, cụ Cư, cụ Mỹ, cụ Chính… Các cụ đã đứng ra tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu tài liệu nói về đặc điểm, hình dáng của con gà Hồ và dựng lại nguyên mẫu để làm tiêu chí tuyển chọn. Ngày 21/11/1992, Hội Chăn nuôi gà Hồ được thành lập, do ông Nguyễn Đăng Chung làm chủ nhiệm, đánh dấu một mốc quan trọng trong quyết tâm khôi phục giống gà quý của vùng Lạc Thổ.

Với những nỗ lực của các thành viên Hội Chăn nuôi gà Hồ, năm 1993, Hội thi gà Hồ đầu tiên được tổ chức sau một thời gian dài gián đoạn. Ở hội thi này, gà của cụ Chính đã đoạt giải Nhất với trọng lượng 5,6kg. Khác với hội thi của người xưa, hội thi ngày nay thi gà còn sống chứ không luộc chín. Theo ông Nguyễn Đăng Chung, sở dĩ chọn thể thức thi gà còn sống, vào dịp hội làng vì ba điều lợi: Thứ nhất, tăng thêm nét văn hóa độc đáo của địa phương trong các ngày lễ hội; thứ hai, bảo tồn, nhân giống phát triển gà Hồ và thứ ba là khuyến khích người dân tăng thu nhập từ chăn nuôi. Các thành viên thống nhất, cứ khoảng 3 - 4 năm, lại tổ chức hội thi một lần. Nhưng do thiếu kinh phí nên đến nay chỉ tổ chức thêm được 3 hội thi, còn lại chỉ tổ chức trưng bày.

Cùng với nỗ lực của những dân Lạc Thổ, Viện Chăn nuôi quốc gia cũng đã quan tâm, khảo sát và tổ chức hội thảo về bảo tồn, phát triển giống gà Hồ. Gà Hồ đã được đưa vào danh sách động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng để bảo tồn gen. Đồng thời, Viện Chăn quốc gia nuôi đã hỗ trợ kinh phí để phát triển đàn gà Hồ như một sản phẩm văn hóa của vùng Kinh Bắc. Cho đến năm 2010, làng Lạc Thổ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí, khoa học kỹ thuật thông qua dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Viện Chăn nuôi quốc tế (GEF - UNEP ILRI). Từ chỗ chỉ có vài chục hộ đến nay làng Lạc Thổ đã có cả trăm người nuôi gà Hồ. Chất lượng đàn gà Hồ được nâng lên, thu nhập từ gà Hồ ngày một tăng, có gia đình thu 60 - 70 triệu đồng/năm.

Trước sự “hồi sinh” của giống “linh kêtiến vua trên quê hương mình, ông Nguyễn Đăng Chung mong muốn, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, người nuôi gà Hồ cần được tạo điều kiện về tài chính, đất đai, cơ sở vật chất để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, giúp đỡ thành lập Hiệp hội Chăn nuôi gà Hồ để từng bước xây dựng thương hiệu gà Hồ trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Quy trình chăm sóc ngặt nghèo

Gà Hồ - “Linh kê” tiến vua vùng Kinh Bắc ảnh 2
Gà Hồ trong tranh Đông Hồ.

Sau nhiều nỗ lực tâm huyết của người nuôi gà Lạc Thổ, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà Hồ (năm 2015) và giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ gà Hồ Lạc Thổ (năm 2016). Giám đốc HTX chăn nuôi gà Hồ Nguyễn Đăng Chung cho biết, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, các hộ trong HTX đều phải tuân thủ quy trình nuôi đã được hướng dẫn và quy trình này được kiểm soát nghiêm ngặt. 

Cụ thể, điều kiện bắt buộc đầu tiên là các hộ trong HTX phải có 2 gia đình gà trở lên (một gia đình gà có từ 5 - 6 con gà mái và 1 - 2 con gà trống). Các gia đình gà phải được tách riêng và chia ra từng lô (chẳng hạn 2 gia đình gà sẽ tương ứng với 2 lô) để thuận lợi cho việc tạo đàn và nhân giống. Sau khi chia lô, họ cho cặp bố mẹ của các lô khác nhau giao phối chéo với nhau (có thể phối giống với các lô gà của hộ khác) nhằm nhân được giống thuần, tránh thoái hóa.

Gà sinh sản phải trải qua 5 lần tuyển lựa. Từ khi lấy trứng, các hộ nuôi đã phải chọn những quả đẹp mới đưa vào máy ấp. Khi gà nở, họ chọn những con nhanh nhẹn, mắt sáng và lông đẹp... Những con khuyết tật hay bị khoèo chân sẽ bị loại bỏ ngay. Khi gà con được khoảng 14 ngày tuổi, bắt đầu có lông cánh, người ta chọn ra những con trống và mái đã đạt 70 - 80% độ trưởng thành. Lần tuyển chọn thứ ba diễn ra khi gà đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg. Người nuôi phải quan sát chân, cánh gà xem có cân đối với phần thân hay không, xem mã nào nổi lên. Ví dụ, gà trống có hai màu đen ánh xanh (mã lĩnh) và màu đỏ đậm (mã mận). 

Gà mái có 3 màu lông là màu đất sét (mã thó), màu lông chim sẻ (mã sẻ) và màu vỏ quả nhãn khô (mã nhãn). Thực tế không phải mã nào cũng nổi lên hẳn vì các mã nổi hẳn rất hiếm. Thường màu nào chiếm tỷ lệ 2/3 trên mình gà thì người ta gọi con gà mang mã đó. Khi bắt đầu đẻ, gà trải qua lần tuyển chọn thứ tư. Nếu đàn có khoảng 10 con mái và 4 con gà trống, cần xem 10 con mái đẻ ra trứng to hay nhỏ, cách nhật hay liền ngày. Những con đẻ trứng đều, lượng trứng ổn định sẽ được chọn. Trong lần tuyển cuối cùng, người ta kiểm tra xem con gà nào có phôi đạt, phản xạ nhanh thì giữ lại. Chỉ những con gà như vậy mới chính thức trở thành gà sinh sản.

Bên cạnh việc chú trọng khâu chuồng trại đúng quy cách, hợp vệ sinh, việc ấp nở và thức ăn cho gà rất quan trọng. Hiện, các hộ chăn nuôi đều có máy ấp riêng, với giá 3 triệu đồng/máy, mỗi lần ấp được 200 trứng. Gà sau khi nở phải ở trong máy 3 ngày, sau đó mới ra ngoài; ngày thứ 4 bắt đầu cho ăn cám mảnh và uống nước, thời gian cho ăn như vậy kéo dài 30 ngày. Thức ăn phải mua của các nhà sản xuất có uy tín như Việt - Pháp, Dabaco... Sau khi gà lớn, có thể mỗi hộ có cách cho ăn và phối trộn thức ăn khác nhau, song, tuyệt đối không dùng cám công nghiệp; chủ yếu dùng thóc, gạo, ngô hạt, rau xanh trộn cám gạo, uống nước sạch. 

Mặt khác, lực lượng thú y thị trấn, huyện cũng chú trọng vấn đề vệ sinh dịch bệnh và tiêm phòng thường xuyên cho gà, theo diễn biến thời tiết 4 đợt/4 mùa. Nhất là trong đợt dịch cúm gia cầm những tháng đầu năm, các hộ nuôi gà đều có ý thức phòng bệnh cao. Ngoài việc khử trùng chuồng trại, việc ra vào khu chăn nuôi cũng phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về bảo hộ, an toàn sinh học. Đặc biệt, không cho người lạ vào khu chăn nuôi để tránh lây lan mầm bệnh...

Ông Nguyễn Đăng Chung khẳng định, tất cả các hộ chăn nuôi gà Hồ trong HTX đều tuân thủ quy trình trên, vì gà sinh sản có chuẩn thì gà giống hay gà thương phẩm mới đạt chất lượng. Qua đó, chúng tôi cũng có cơ hội khẳng định thương hiệu gà Hồ có từ bao đời nay. HTX luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho những hộ nuôi gà Hồ ở huyện Thuận Thành tham gia khai thác nhãn hiệu tập thể “Gà Hồ - Thuận Thành, Bắc Ninh”. Để tham gia, các hộ cần làm đơn đề nghị, HTX sẽ hướng dẫn triển khai nuôi theo quy trình và cử người đến kiểm tra để nghiệm thu. Nếu thấy các hộ này áp dụng đúng quy trình chuẩn, cho ra được sản phẩm chất lượng tốt, HTX sẽ cấp giấy chứng nhận để sử dụng tem mác.

Gần hai chục năm đã qua, kể từ ngày người tâm huyết có ý tưởng khôi phục lại giống gà quý của địa phương, đến nay người còn, người mất. Nhưng từ những nỗ lực ban đầu ấy, “đệ nhất đô vật” làng gà đã thực sự “hồi sinh”, được bảo tồn và phát triển rộng khắp từ Lạc Thổ ra đến các huyện trong tỉnh Bắc Ninh, vùng Kinh Bắc và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Chung và các thành viên HTX chăn nuôi gà Hồ đều nhận thức rõ, để gà Hồ thành vua của các loại gà Việt, còn rất nhiều việc phải làm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.