Nếu điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất là ga Hà Nội thay địa điểm ở Ngọc Hồi sẽ tiện lợi cho hành khách di chuyển, tăng tính hấp dẫn của phương tiện này.
Không xung đột với giao thông đô thị
Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến về quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội. Điểm mới trong quy hoạch là đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tiếp cận tới ga Hà Nội ở trung tâm thành phố, thay vì ga Ngọc Hồi ở phía Nam, cách nhau khoảng 10 km.
Theo đánh giá của liên danh tư vấn TEDI - CCTDI, việc bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi, cách xa trung tâm Hà Nội khoảng 10 km, sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía Bắc sông Hồng.
Qua tìm hiểu kinh nghiệm phát triển đường sắt trên thế giới cho thấy, đối với loại hình dịch vụ tàu tốc độ cao thường được bố trí tiếp cận sâu trong trung tâm các thành phố lớn như: Bắc Kinh, Berlin, Tokyo, Paris… Do đó, liên danh tư vấn đề xuất giữ lại hành lang đường sắt Ngọc Hồi - Ga Hà Nội để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận tới ga Hà Nội.
Theo đơn vị tư vấn, loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng đường riêng, không xung đột với giao thông đô thị, nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay. Trên cơ sở đó, kiến nghị kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tới ga Hà Nội.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt cũng nêu quan điểm rằng, việc chuyển ga điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao từ ga Ngọc Hồi về ga Hà Nội sẽ tối ưu hơn. Cụ thể, vẫn giữ nguyên ga Hà Nội là ga trung tâm của Thủ đô và ga đó cũng là ga đầu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Việc chuyển ga này sang ga khác là rất tốn kém. Nếu vẫn giữ ga Hà Nội mà chuyển điểm đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bằng ga Ngọc Hồi thì ga này phải xây dựng hàng chục nghìn tỉ đồng. Chính vì thế, nếu quy hoạch vẫn lấy ga Hà Nội làm ga chính, là điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì sẽ giảm chi phí. Từ đó, chỉ tập trung quy hoạch khu vực ga Hà Nội, sẽ hợp lý hơn.
Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết, trước kia đã từng đề xuất phương án đường sắt tốc độ cao kết nối về ga Hà Nội.
Theo đó, sẽ làm bốn đường, gồm hai đường cho đường sắt đô thị và hai đường cho đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, TP Hà Nội không đồng ý, đồng thời không thể thực hiện được do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Hiện nay, tìm hiểu kinh nghiệm về đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên thế giới cho thấy, các nước đều đưa ga trung tâm vào nội đô.
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, để tránh phải giải phóng mặt bằng, tư vấn đang nghiên cứu phương án về biểu đồ chạy tàu để tổ chức chạy tàu khách đường sắt đô thị, tàu khách đường sắt tốc độ cao trên cùng đường sắt đôi trên cao.
Vẫn cần phải cân nhắc
Trước đề xuất điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là ga Hà Nội thay vì ga Ngọc Hồi, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải cân nhắc, khảo sát kỹ lưỡng nhiều khía cạnh, góc độ.
Thực tế, mặt bằng cơ sở hạ tầng ga Hà Nội chưa đáp ứng được. Phải nghiên cứu đến yếu tố điểm nghẽn của giao thông nội đô, ùn tắc, đến tính toán phương án kỹ thuật và nguy cơ đội vốn đều là những bài toán rất khó.
Đơn vị tư vấn phân tích, ga Hà Nội có diện tích khoảng 21 ha, đủ điều kiện xây dựng hạ tầng cho nhà ga đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, không cần thiết mở rộng làm tăng chi phí. Sau này nhà ga và hạ tầng đường sắt được đưa lên cao sẽ tăng diện tích.
Bên cạnh đó, diện tích nhà ga hiện nay cũng đảm bảo bố trí điểm trông giữ xe, điểm đỗ xe buýt, taxi phục vụ hành khách khi ga Hà Nội trở thành ga trung chuyển khối lượng lớn.
Để đảm bảo an toàn khi chạy chung đường, tàu tốc độ cao sẽ giảm tốc độ tương đương tàu đô thị, không dừng ở các ga. Giờ cao điểm khi tần suất chạy tàu đô thị lớn sẽ không bố trí tàu tốc độ cao, chỉ khai thác trong giờ thấp điểm. Trong tương lai, khi tần suất tàu tăng lên, Chính phủ có thể xem xét xây dựng đường riêng cho từng loại hình như tàu đô thị chạy ngầm, tàu cao tốc chạy trên cao.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 5/8/2023, hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia theo đúng quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu: “Thành lập tổ tư vấn giúp việc cho Ban Chỉ đạo, làm việc chuyên trách (không kiêm nhiệm), bao gồm các chuyên gia đầu ngành, tâm huyết về giao thông vận tải đường sắt, kể cả chuyên gia đã nghỉ hưu cũng sẽ tham gia”.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và các văn bản khác có liên quan đến định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam. Trên cơ sở đó, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện, đề xuất phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, bảo đảm hiệu quả, khả thi và bền vững.