Được mệnh danh là “thành phố của Festival” bởi tính chất chuyên nghiệp cùng những sắc màu riêng biệt trong tổ chức lễ hội, Festival Huế 2014 tiếp tục là sự mong đợi của du khách trong và ngoài nước .
Thưa ông, tính đến Festival 2014, Thừa Thiên Huế đã có 8 lần tổ chức Festivail và lần nào cũng mang chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Chúng tôi nhớ không lầm thì những lần tổ chức Festival trước bao giờ cũng có một điểm nhấn hết sức cụ thể. Chẳng hạn vào năm 2010, hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì điểm nhấn là "Hành trình mở cõi”. Tới năm 2012 là “Thiên hạ thái bình”. Vậy điểm nhấn trong chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” của Festival 2014 là gì, thưa ông?
- Huế từng là kinh đô của cả nước nên hiện nay còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bên cạnh những yếu tố mang đậm dấu ấn văn hóa cung đình, bác học thì nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang bản sắc văn hóa dân gian.
Đây chính là những tiền đề, lợi thế để Thừa Thiên Huế tổ chức Festival văn hóa nghệ thuật mang bản sắc riêng mà không địa phương nào có được.
Do vậy, mục tiêu chung của chúng tôi là trong mỗi kỳ Festival luôn có điểm nhấn để tôn vinh giá trị văn hóa của vùng đất cố đô; đồng thời, thu hút du khách và phục vụ quần chúng nhân dân.
Các chương trình như nhà báo nêu ra là những điểm nhấn của các kỳ Festival trước đây, mang đậm dấu ấn văn hóa cung đình của vùng đất cố đô.
Việc tôn vinh văn hóa cung đình đã được chúng tôi thực hiện từ các kỳ Festival trước nên Festival lần này, Ban Tổ chức tập trung vào việc tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian của vùng đất cố đô.
BTC đã chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế tổ chức chương trình Âm sắc Hương Bình để tôn vinh loại hình nghệ thuật ca Huế, loại hình nghệ thuật đắc sắc là khởi nguồn cho Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Festival Huế 2014 diễn ra từ ngày 12 - 20/4, thời điểm vừa “nở rộ” mùa lễ hội của cả nước, lại là Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề khá hấp dẫn “Đại ngàn Tây Nguyên”, liệu ông có tự tin rằng Festival Huế 2014 sẽ đủ sức thu hút công chúng như những lần trước hay không?
- Mỗi lễ hội hoặc Năm Du lịch Quốc gia được tổ chức ở mỗi một địa phương, mỗi vùng đều có những chủ đề khác nhau, những hình thức khác nhau nhưng tựu trung đều hướng đến một mục tiêu chung là quảng bá, hấp dẫn và thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch.
Trong quá trình chuẩn bị cho Festival Huế 2014, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban tổ chức Festival Huế đã có nhiều cuộc làm việc với các Bộ/ngành Trung ương để xin ý kiến về Festival Huế.
Nhìn chung, lãnh đạo các Bộ/ngành Trung ương đánh giá rất cao Festival Huế là Festival mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, là nơi giao lưu của nền văn hóa các nước ở 5 châu lục. Festival Huế thực sự mang tầm quốc gia và quốc tế.
Qua Festival Huế, đã góp phần quảng bá hình ảnh và đất nước con người Việt Nam, thực sự là kênh chính trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam để từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ đó đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định việc tổ chức Festival thành công không chỉ là trách nhiệm riêng của Thừa Thiên Huế mà còn có trách nhiệm của Bộ nên đã chỉ đạo các Cục/vụ trực thuộc phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để có một Festival an toàn, thân thiện và chất lượng.
Bên cạnh đó, với nhiều hình thức quảng bá sinh động, liên tục, hấp dẫn trên nhiều phương tiện để Festival Huế được đến với công chúng và du khách là rất quan trọng.
Đến giai đoạn hiện nay, mọi công việc cho một kỳ Festival lần thứ 8 đã cơ bản định hình nên chúng tôi tin tưởng Festival Huế 2014 sẽ đủ sức thu hút công chúng như những lần trước đây.
Theo thông tin từ BTC Festival Huế, năm nay tiếp tục tái hiện nhiều lễ hội đã từng diễn ra ở mùa Festival trước như: Đêm Hoàng cung, Lễ hội Áo dài; Đêm phương Đông hay là các hoạt động Nghệ thuật sắp đặt, Nghệ thuật âm nhạc, Mỹ thuật đường phố. Liệu BTC có tính đến việc làm mới những hoạt động này hay vẫn giữ nguyên như lần trước thưa ông?
- Quan điểm chung của chúng tôi là giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới, chú trọng tổ chức các hoạt động để nhân dân và du khách vừa có thể là chủ thể sáng tạo vừa là chủ thể hưởng thụ.
Trên quan điểm đó, không có chuyện làm mới các chương trình, đặc biệt là các chương trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Đêm Hoàng cung, Đêm phương Đông, Lễ hội Áo dài...
Các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật đường phố là những hoạt động hưởng ứng Festival Huế thì đương nhiên phải là mới bởi hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của các văn nghệ sỹ luôn luôn mới. Cái chính của vấn đề là "mới" nhưng không đi ngược lại định hướng văn hóa tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta.
Từng được biết đến như một nhà tổ chức chuyên nghiệp Festival của Huế với nhiều lần trong vai trò Trưởng BTC, ông có hiến kế gì cho những người làm du lịch từ các lễ hội trong việc loại bỏ những “hạt sạn” và cả lựa chọn những tiêu chí mang lại hiệu quả về mặt kinh tế thưa ông?
- Việc loại bỏ những hạt sạn và cả lựa chọn những tiêu chí mang lại hiệu quả về kinh tế là ưu tiên hàng đầu của những người làm công tác quản lý văn hóa, du lịch và tổ chức Lễ hội.
Mỗi một cấp chính quyền, mỗi một cơ quan trung ương hay địa phương có trách nhiệm trong lĩnh vực này đều đặt ưu tiên hàng đầu để xử lý những "hạt sạn" này.
Nếu không xử lý, bản sắc văn hóa dân tộc bị biến tướng; môi trường du lịch, hình ảnh của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đó vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ bị sụt giảm.
Do vậy, việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo nguyên tắc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, để văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, đúng với định hướng văn hóa là một trong kênh của ngoại giao đất nước.