FECON có bảo đảm thực hiện 4 gói thầu lớn?

GD&TĐ - FECON (FCN) vừa công bố trúng 4 gói thầu lớn tổng giá trị gần 500 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FECON âm tới 209,4 tỷ đồng trong năm 2022.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FECON âm tới 209,4 tỷ đồng trong năm 2022.

Đi sâu vào bức tranh tài chính của doanh nghiệp này lại khiến các nhà đầu tư đặt ra nhiều lo ngại.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Công ty cổ phần FECON (mã FCN - sàn HoSE) vừa thông báo ghi nhận thêm 4 gói thầu mới, với tổng giá trị đạt gần 500 tỷ đồng.

Cụ thể, gói thầu “Cung cấp, thi công cọc đại trà và thí nghiệm cọc” tại Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 với tổng giá trị 179 tỷ đồng; gói thầu “Thi công tường vây phía Nam nhà ga 11” trị giá hơn 62 tỷ đồng thuộc Dự án Tuyến đường sắt đô thị metro line 3 thí điểm của TP Hà Nội; Hợp đồng trị giá 75 tỷ đồng tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II (Hà Tĩnh); gói thầu “Thi công xây dựng đoạn tuyến Km91+800 – Km114+200” với giá trị 147 tỷ đồng.

Liên tiếp giành được nhiều gói thầu khủng, song vài năm gần đây hoạt động kinh doanh của nhà thầu này liên tục rơi vào cảnh “bấp bênh”, nhiều nhà đầu tư không khỏi hoài nghi về năng lực của đơn vị này.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp của đơn vị liên tục sụt giảm qua từng năm, giảm từ 211,6 tỷ đồng trong năm 2019 xuống chỉ còn 51,3 tỷ đồng trong năm 2022.

Đây cũng là một trong những lý do khiến cổ phiếu mã FCN của FECON đến sáng ngày 16/3/2023 chỉ ghi nhận ở mức 11.100 đồng/cổ phiếu, giảm tới hơn một nửa so với mức 25.400 đồng/cổ phiếu đạt được trong một năm trước đó.

Phân tích sâu hoạt động kinh doanh của FCN, trong quý IV/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 838,5 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu nên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh đạt 62,1 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,7% xuống còn 7,4%. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh không chỉ suy giảm về quy mô mà còn cả biên lợi nhuận gộp mang về cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Đặc biệt, hoạt động doanh thu tài chính tăng đột biến từ 123,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước âm 343 triệu đồng). Con số này được ghi nhận chủ yếu đến từ việc bán khoản đầu tư và thoái vốn khỏi Dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6.

Một số loại chi phí cũng gia tăng ghi nhận ở chi phí tài chính từ 47,9 tỷ đồng lên mức 65,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 6,3 tỷ đồng lên mức 9,1 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 63,8 tỷ đồng lên mức 73,1 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của FCN chỉ còn 49,3 tỷ đồng. Nên biết, lợi nhuận của FCN lúc này đang là con số “dương” do sự góp sức từ tiền thanh lý các khoản đầu tư được ghi nhận trong doanh thu hoạt động tài chính.

Nợ cao, dòng tiền kinh doanh “âm”

Lũy kế năm 2022, doanh thu của FCN ghi nhận con số 3.043,5 tỷ đồng, giảm 12% so với con số năm 2021. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 51,3 tỷ đồng, giảm 27,5% so với năm 2021.

Đáng chú ý, đa phần lợi nhuận thu về trong năm 2022 đều đổ dồn về quý IV/2022 nhờ thanh lý khoản đầu tư chứ không phải từ hoạt động kinh doanh.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty không biến động quá nhiều, đi ngang ở mức 7.566,2 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm mạnh từ 312,4 tỷ đồng xuống chỉ còn 170,9 tỷ đồng, mức giảm 45,2%. Điều này cho thấy sự sụt giảm mạnh về tính thanh khoản trong cơ cấu tài sản.

Hàng tồn kho không biến động quá nhiều, vẫn giữ ở mức 1.674,7 tỷ đồng. Trong khi đó các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ từ 2.821,4 tỷ đồng lên mức 2,923,1 tỷ đồng. Tài sản dài hạn cũng đồng thời tăng từ 2.433,1 tỷ đồng lên mức 2.511,1 tỷ đồng, phần tăng chủ yếu đến từ ghi nhận của tài sản cố định.

Trong cơ cấu nguồn vốn của FECON, nợ phải trả vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 4.102,9 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 54,2% tổng nguồn vốn. Trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 2.957, 2 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý là tổng nợ phải trả của FECON đã có sự sụt giảm, nhưng ghi nhận về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của đơn vị này lại tăng từ 1.331,6 tỷ đồng lên mức 1.563,9 tỷ đồng, tương ứng với việc tăng tới 232,3 tỷ đồng chỉ trong một năm. Điều này cho thấy rủi ro trong ngắn hạn là hiện hữu đối với cơ cấu nguồn vốn của FECON.

Nợ dài hạn ngược lại giảm nhẹ từ 1.201 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.145,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận ở mức 3.463 tỷ đồng, chủ yếu tăng lên ở phần lợi ích của cổ đông thiểu số, chiếm tới 815 tỷ đồng.

Ghi nhận về lưu chuyển dòng tiền trong năm 2021 của FECON cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của đơn vị âm tới 110,4 tỷ đồng, trong khi năm 2020 vẫn đang dương 88,7 tỷ đồng. Bước sang năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FECON tiếp tục âm tới 209,4 tỷ đồng.

Có thể thấy rõ tiền thu từ hoạt động kinh doanh của FECON đang bị thiếu hụt nghiêm trọng và không đủ bù các khoản chi ra trong kỳ. Việc âm nặng dòng tiền kéo dài 2 năm liên tiếp, năm sau nhiều hơn năm trước với quy mô lên tới hàng trăm tỷ đồng khiến nhà đầu tư quan ngại về năng lực của FECON.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi thị trường vốn đang có nhiều biến động, lãi suất vay tăng cao cùng với room tín dụng đang được điều tiết chặt chẽ sẽ khiến cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn gặp khó khăn hơn trong việc xoay trở dòng tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ khiến cho FECON gặp nhiều khó khăn hơn rất nhiều trong việc duy trì hoạt động tại các công trình mà mình đang quản lý.

Theo các chuyên gia tài chính, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm dễ được chấp nhận với doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất kinh doanh… nhưng khi dòng tiền âm nhiều năm, đây có thể là tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề.

Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo. Các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với rủi ro phá sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.