Khúc dạo đầu bỡ ngỡ
Ra trường 2003, tôi dạy ở huyện khác xa nhà, tôi nhớ khi muốn hỏi thăm gia đình tôi chạy sang tiệm tạp hóa kế chỗ trọ gọi nhờ, hoặc nghe nhờ.
Thời đó làm gì có smartphone hay facebook, zalo, viber, line ... như bây giờ, chiếc điện thoại "cùi bắp", "cùi mía" hiện nay thời đó đã trở thành xa xỉ.
Cách mạng khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, bên cạnh những giá trị tích cực, thì cũng đã có nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, học tập, làm việc và cả cách ứng xử trong quan hệ giữa con người và con người.
Những thay đổi chóng mặt
Chiếc tivi thông minh thay thế sóng truyền hình ăngten. Chỉ 500 đến 700 ngàn cũng có thể sắm một chiếc smartphone để lên mạng, xài zalo, facebook... bên cạnh còn có máy tính bảng, ipad, chưa kể laptop, máy tính bàn cũng đa dạng, hấp dẫn.
Yahoo thay thế bằng gmail, ..., bây giờ có hẳn văn phòng điện tử.
Ngày trước thầy cô soạn giáo án viết tay, hiện giờ có phần mềm công nghệ, từ violet, powerpoint đến elearning, giáo án cứ tràn lan trên mạng, người dạy cũng có mặt khắp nơi trên mạng...
Giờ muốn mua gì, cứ lên mạng, muốn hỏi gì, cứ lên mạng, muốn mắng chửi, nhắn gửi gì cứ lên mạng ... Có tất thảy.
Những hệ lụy đã và đang
Thầy cô đâm ra cũng bớt thời gian soạn giáo án, lên mạng ... chỉ cần alo, email, hay đăng ký thì có thể gửi cho nhau, tải về cứ na ná nhau cả. Cũng khổ, quy định soạn giảng cứ thay đổi nhanh chóng mặt trong khi 16 năm nay sách giáo khoa không hề đổi. Nên chăng, đổi là đổi phương pháp để thầy và trò tiếp cận tri thức bài học hay hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và khoa học hơn bớt khô khan nhàm chán, giúp người học năng động hơn.
Vậy mà, giáo án có trăm kiểu. Xưa đọc chép, giờ chiếu chép. Học không ra học, chơi không ra chơi, phương pháp mới nhưng nội dung còn nặng nề, hàn lâm nên không đủ thời gian, lại thiếu thốn cơ sở vật chất trăm bề, em giỏi giỏi nữa, em dở có khi ngồi nhầm lớp ...
Đổi mới phương pháp dạy, nhưng, kiểm tra đánh giá lại không theo kịp đổi mới, thành thử bị chồng chéo, gây khó khăn đủ kiểu cho người dạy lẫn người học.
Người làm quản lý thì mệt mỏi đủ thứ, vừa gánh trên vai quá nhiều công tác phối hợp, từ giáo dục dân số sức khoẻ sinh sản, tâm lý, bảo hiểm, pháp luật, môi trường, giao thông, giáo dục lịch sử ... với quá nhiều hội thi, hội diễn phong trào, đôi khi đâm ra làm cho có hình thức; mặt khác, văn bản chuyên ngành chồng chéo, thay đổi liên tục ... thành thử áp lực mail, văn phòng điện tử, hồ sơ sổ sách, chất lượng, tỉ lệ cứ đau đáu lo lắng...
Trong hằng hà công chuyện của nhà trường, của thầy cô thì học sinh cũng là nhân tố góp phần thực hiện, cứ sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử , kể chuyện sách, hội khoẻ Phù Đổng, văn nghệ , sinh hoạt đội, ngoài giờ lên lớp đủ kiểu, nào bài vở ... thành thử cũng áp lực theo
Từ những chuyện thường ngày áp lực, căng thẳng, con người tự tìm niềm vui qua không gian ảo trên net, trong đó facebook, zalo là những mảnh đất màu mỡ nhất.
Trải nghiệm và chia sẻ
Tôi sử dụng zalo, facebook từ khoảng 2013, chủ yếu là để lưu giữ kỷ niệm đáng nhớ, và khi tôi đối mặt với cuộc sống một mình vừa đi làm vừa nuôi con, thì facebook và zalo với tôi như một người bạn quý, giúp tôi có đủ nghị lực để vượt qua khi tôi có thể viết tạp văn, thơ đăng lên trang cá nhân mỗi ngày.
Một lần, sếp tôi gọi tôi lên yêu cầu tôi kiểm điểm một cô giáo trẻ do vô tình đăng một tấm ảnh có sếp khá nhạy cảm dễ gây ra hiểu sai. Tôi một mực bênh cô giáo và nhận sơ suất, hứa sẽ hướng dẫn cô giáo gỡ bài, sử dụng facebook hiệu quả hơn, may là mọi việc lần đó điều suôn sẻ.
Lần thứ hai, tôi được cô giáo chủ nhiệm của hai học trò nam khá nghịch học lớp 8 cho hay là các em đã dùng điện thoại quay phim tôi trong ngày tôi sinh hoạt nhắc nhở việc mất trật tự của 1 lớp 8 khác khi đi học sớm. Thế là tôi đề nghị được gặp hai em, bảo hai em cho tôi xem đoạn phim, ôi, có nhiều comment đủ kiểu, tôi xem xong, cười phân tích cho các em cái lợi cái hại của việc làm đó... Sau đó tôi vào thì thấy nick đã xoá bài, các em đã học hành đàng hoàng hơn, tiến bộ vượt bậc và đã tốt nghiệp THCS.
Ngay sau đó, tôi tạo nick dành riêng cho các em, kết bạn và đăng bài liên quan đến bộ môn để giúp các em tìm hiểu thêm, tôi hay nói vui thay vì các em làm biếng đọc sách thì ghé trang THỜI ĐI HỌC đọc dùm bài cô đăng, coi như có đọc còn tốt hơn là cầm điện thoại bất chấp cứ lướt, cứ like...
Nhờ có nick này, nhờ facebook mà tôi có thể khích lệ thêm cho các em, chia sẻ, động viên các em trong cuộc sống lẫn học tập. Nhiều lần nhờ facebook mà giáo viên chúng tôi kịp thời giúp các em giãi bày tâm tư, khúc mắc, không để xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Người thầy nên tư vấn, định hướng và giúp đỡ học trò có nhận thức đúng đắn, sử dụng hợp lý để phát huy giá trị tích cực của facebook và mạng xã hội
Tôi thấy đắng chát khi phát biểu trong cuộc họp có một cô giáo cứ theo dõi facebook của tôi, còn cố tình dèm pha, xuyên tạc tôi trước lãnh đạo trường và hoài nghi trong những học sinh có kết bạn với tôi trên facebook.
Song, cô ấy lại quên rằng thế giới công nghệ có thể giúp con người xích lại gần nhau thì cũng sẽ có nhiều thông tin đa chiều giúp người sử dụng thông minh có thể nhận thức được sự thật dễ dàng.
Nên chăng, cần có sự quản lý vĩ mô hiệu quả hơn để công nghệ phát huy tối đa giá trị đích thực của nó để phục vụ đời sống, học tập, làm việc của con người. Mặt khác, mỗi cá nhân cũng cần tỉnh táo khi sử dụng facebook và mạng xã hội.
Người lớn, đôi khi còn sơ suất nên với học trò đừng cấm bằng những quy định cứng nhắc, mà cần lắm sự tư vấn, định hướng, giúp đỡ để các em tiếp cận được với công nghệ thật đúng đắn và hiệu quả.