F0 tăng, Hà Nội cần làm gì?

GD&TĐ - Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần tập trung vào thu dung, điều trị ca bệnh nặng.

F0 điều trị tại Hà Nội.
F0 điều trị tại Hà Nội.

Đồng thời, những F0 dù trên 50 tuổi nếu không triệu chứng cũng không nên nhập viện.

Chú trọng tổ chức thu dung, điều trị

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 10/1, thành phố ghi nhận 2.832 ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn. Trong số này, 712 trường hợp được phát hiện ở cộng đồng, nhóm còn lại đã cách ly. Một số khu vực có nhiều F0 trong ngày là Hà Đông (168); Hoàng Mai (165); Thanh Trì (134); Đống Đa (124); Thanh Xuân (115); Nam Từ Liêm (109); Hai Bà Trưng (100)… Trong làn sóng dịch lần thứ 4, thành phố đã xác định tổng cộng 73.790 ca mắc Covid-19.

Hà Nội tiếp tục vượt kỷ lục về số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong 24 giờ của ngày trước đó (2.8111 trong ngày 8/1). Đây cũng là ngày thứ 7 liên tiếp thành phố ghi nhận hơn 2.500 ca mắc mới. Nửa tháng qua, Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày.

Các giải pháp chống dịch của thành phố là tăng cường tiêm vắc-xin, cung cấp thuốc kịp thời và quản lý chặt F0 tại nhà, hạn chế tối đa chuyển tầng điều trị. Thành phố tăng cường điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, giảm tải cho y tế tuyến trên để các bệnh viện tập trung cứu chữa người có triệu chứng trung bình nặng và nguy kịch.

Về giảm tử vong, mấu chốt là phân tầng đúng người bệnh để chuyển tuyến điều trị kịp thời. Ngày 6/1, Sở Y tế đã điều chỉnh phân tầng F0 lần thứ 6, chia ra quản lý theo mức độ nguy cơ của F0 thay vì dựa vào yếu tố nguy cơ tăng nặng như trước.

Cụ thể, tầng ba là F0 có tình trạng cấp cứu, SpO2 (chỉ số nồng độ oxy trong máu) dưới 90%, điều trị tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện hạng một của Hà Nội như Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây; tầng hai là F0 có bệnh nền chưa ổn định, phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh con, trẻ dưới 3 tháng tuổi, có SpO2 từ 90 - 96%, sẽ điều trị tại các bệnh viện tuyến quận, huyện; tầng một là F0 nhẹ, có nguy cơ thấp hoặc trung bình.

Chia sẻ về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội - cho rằng, số ca nhiễm mới có thể tiếp tục tăng nhưng không đáng ngại. Bởi, hầu hết người nhiễm

SARS-CoV-2 không có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện bệnh nhẹ, không đe dọa tính mạng. Chuyên gia này nhận định, những người nhiễm nếu không phải can thiệp y tế thì không nên nhập viện hoặc nhập trạm y tế lưu động/bệnh viện dã chiến, dù trên 50 tuổi.

“Đếm số ca nhiễm mới không còn quan trọng. Quan trọng là tổ chức thu dung, điều trị người nhiễm sao cho rõ ràng, nhất quán theo hướng để người dân tự lo những việc họ có thể làm (phát hiện, cách ly, theo dõi y tế và điều trị). Ngành y tế cần tập trung vào thu dung, điều trị ca bệnh nặng. Người nhiễm được phép cách ly điều trị tại nhà thì sao lại để người có nguy cơ nhiễm (F1) đi cách ly tập trung?

Người nhiễm dù tuổi cao (trên 50 tuổi) nhưng không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và có điều kiện cách ly, điều trị tại nhà sao cứ nhất thiết phải vào bệnh viện dã chiến/trạm y tế lưu động?”, PGS Hùng chia sẻ.

F0 “vô tư” đi lại

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Kình - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Gen Trị liệu Bệnh viện Bạch Mai - nhận định, nếu để dịch bệnh lây lan nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, những người yếu thế bao gồm nhóm cao tuổi, có bệnh nền và sức đề kháng kém sẽ thiệt thòi nhất. Thậm chí, họ có thể tử vong do Covid-19.

“Chúng ta cần được bảo vệ bằng vắc-xin và các phương pháp chăm sóc hiệu quả. Trước mắt, chúng ta phải giảm số F0 trong cộng đồng. Hà Nội không thể chủ quan. Hà Nội cần có những biện pháp cứng rắn hơn, hữu hiệu hơn để virus SARS-CoV-2 không tràn lan trong cộng đồng. Các cấp chính quyền cần coi nhiệm vụ chống dịch là trọng tâm. Dẹp được dịch thì người dân mới an tâm sản xuất, kinh tế - xã hội mới hồi sinh”, PGS Kình nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, không thể đưa lý do Hà Nội là Thủ đô, đông dân cư, giao lưu với nhiều vùng miền có dịch hoặc có nhiều khách quốc tế tới công tác và du lịch nên việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn… Do đó, PGS Kình khuyến cáo, người dân nên tự giác tuân thủ các biện phòng chống dịch, chấp hành nghiêm chỉnh biện pháp 5K để tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.

“Gần đây, một số F0 không triệu chứng đang giao lưu một cách thoải mái với mọi người thì làm sao mà ngăn chặn được sự lây nhiễm? Có những trường hợp biết mình là F0 nhưng không biểu hiện các triệu chứng nặng vẫn vô tư đi lại, ăn uống, cafe với bạn bè thì làm sao ngăn chặn được sự lây lan của virus”, chuyên gia bày tỏ quan ngại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.