EVN giải thích về ‘hóa đơn tiền điện tăng cao’

Nhiều ngày qua, giữa thời tiết nóng bức, thông tin về hóa đơn tiền điện tăng cao cũng gây sốt trên mạng xã hội, mặt báo. EVN nói gì?

EVN giải thích về ‘hóa đơn tiền điện tăng cao’

Nhu cầu dùng điện tăng cao

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hằng năm, tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30°C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.

Tính đến ngày 26.4, tại Hà Nội có trên 32% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4.2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3.2019; tỷ lệ này tại TP.HCM là trên 22%. Về tiền điện tại Hà Nội có trên 46% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3.2019; tỷ lệ này tại TP.HCM là trên 37%.

Cuối 3.2019, đầu 4.2019 việc tiêu thụ điện tại Hà Nội và TP.HCM tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58kWh/ngày và đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20.4) tại Hà Nội và 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày; sản lượng ngày cao nhất đến thời điểm này là 90,04 triệu kWh (24.4) tại TP.HCM.

Mức sản lượng điện đỉnh về tiêu thụ này của TP.HCM cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018 và đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục từ trước đến nay; con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019 (35,5 triệu kwh ngày 6.2.2019).

Cũng theo EVN, tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công thương công bố vào ngày 20.3.2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá điện tăng. Cụ thể, trường hợp khách hàng sử dụng 400 kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.725 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.

Số ngày sử dụng điện được tính thế nào?

Liên quan đến số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn mà dư luận trên mạng xã hội đang đem ra “mổ xẻ”, EVN lý giải: Số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày).

EVN cho rằng, số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4.2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.

Giải quyết thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao

Trong khoảng thời gian từ ngày tăng giá điện (20.3), EVN cho biết đã nhận được các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện chủ yếu qua Tổng đài chăm sóc khách hàng, các phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội, báo chí…

Trong tổng số trên 108.000 yêu cầu liên quan đến hóa đơn tiền điện của khách hàng, chủ yếu là yêu cầu tra cứu thông tin về giá điện mới, tra cứu chỉ số và hóa đơn tiền điện; trên 13.000 yêu cầu là các kiến nghị về chỉ số, hóa đơn. Cũng theo EVN, tính đến ngày 26.4, các tổng công ty điện lực đã giải quyết trên 12,9 nghìn, đạt tỷ lệ 98,7%.

EVN cũng cho biết thêm, thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề. Tất cả các sai sót (nếu có) liên quan đến công tơ và ghi chỉ số công tơ đều được tiếp nhận, giải quyết và tiến hành các thủ tục truy thu/thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định.

Khi có ý kiến của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, Giám đốc Công ty Điện lực trực tiếp chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của khách hàng trong thời gian sớm nhất và không quá 24 giờ.

Theo Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...