Để có được kết quả này phải kể tới chất xúc tác đặc biệt: Anh rút khỏi EU và Mỹ thúc giục EU đóng góp tài chính.
Kỉ nguyên mới về quốc phòng của EU
Pháp và Đức là những quốc gia đầu tàu trong việc vận động xây dựng một khối quốc phòng chung – tuy nhiên đây là chặng đường khó khăn kéo dài đã gần 70 năm.
Được đề xuất vào những năm 1950 và gặp nhiều phản đối từ Anh (do lo ngại tạo lập một đạo quân EU) – cơ hội tốt nhất đã tới khi London tách khỏi EU và Mỹ hối thúc EU đóng góp thêm tài chính cho vấn đề an ninh.
Châu Âu bày tỏ ý định muốn có quân đội riêng. Không chỉ muốn có nền quốc phòng độc lập với Mỹ, mà một số các nước ở châu lục già cũng khẩn trương hợp tác hoặc tự nâng cao năng lực quốc phòng để đối phó với Nga.
Việc tạo lập khối quốc phòng chung mở ra kỉ nguyên mới về lĩnh vực quốc phòng của EU, trong đó việc chủ động tiến hành các chiến dịch quân sự trong khu vực, phát triển vũ khí…
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng đại diện cho 23 chính phủ thành viên EU đã tề tựu trong lễ kí kết Hiệp ước quốc phòng chung tại Brussels, mở đường cho các nhà lãnh đạo EU kí chính thức vào tháng 12.
Hiệp ước bao gồm toàn bộ các thành viên EU, ngoại trừ Anh, đang rời bỏ khối, Đan Mạch (nước chọn chính sách phi quân sự), Ailen, Bồ Đào Nha và Malta.
Các chính phủ này sẽ lần đầu tiên chính thức ràng buộc vào các dự án quốc phòng chung cũng như cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và đóng góp binh sĩ cho các chiến dịch triển khai quân cấp tốc.
“Hôm nay chúng ta đã có một bước đi lịch sử” – Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel hoan hỉ công bố - “Chúng ta đã đạt đồng thuận về hợp tác tương lai trong các vấn đề an ninh và quốc phòng… Đó thực sự là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của EU”.
Vận hành Hiệp ước
Ý muốn ban đầu của Paris là một nhóm tiên phong gồm các quốc gia lớn trong EU đóng góp tiền và tài sản vào các dự án hoặc chiến dịch quân sự do Pháp dẫn đầu. Trong khi Berlin muốn sự đóng góp mở rộng hơn với tất cả các thành viên, kể cả quốc gia nhỏ nhất.
Những người ủng hộ Hiệp ước cho rằng nếu thành công, câu lạc bộ 23 thành viên sẽ mang lại cho Liên minh châu Âu một vai trò mạnh mẽ hơn đối phó với các khủng hoảng quốc tế, sẽ không còn những tình huống như tại Libya năm 2011, khi Liên minh EU dựa vào Mỹ về sức mạnh trên không và đạn dược.
Ban đầu, câu lạc bộ này sẽ được hỗ trợ 5 tỉ euro mua vũ khí, một quĩ đặc biệt tài trợ các chiến dịch quân sự - được trích từ ngân sách chung của EU dành cho nghiên cứu quốc phòng.
Các nước thành viên cũng được yêu cầu trình kế hoạch quốc gia để rà soát các “mắt xích” yếu trong hệ thống phòng thủ chung với mục tiêu lấp khoảng trống cùng nhau.
Tuy không tham gia nhưng không có nghĩa là Anh bị gạt ra ngoài lề Hiệp ước quốc phòng chung EU. EU vẫn bỏ ngỏ cơ hội để Anh tham gia hợp tác nhưng với điều kiện đặt ra là Anh phải đóng góp tài chính và kĩ thuật quân sự.