Edouard Husson, giáo sư tại Đại học Cergy-Pontoise và là Tổng biên tập của nguyệt san Le Courrier des Strateges của Pháp.
Ông nói với TASS rằng quyết định gửi bom, đạn chùm tới Ukraine của Washington đang đặt châu Âu vào một tình thế khó xử.
Ông Husson chỉ ra, trước tiên, việc Mỹ cung cấp bom, đạn chùm thể hiện sự thừa nhận thất bại theo nghĩa là: do đã hết các loại đạn khác, giờ họ bắt đầu dùng tới bom chùm.
Thứ hai, xét đến việc bom, đạn chùm bị cấm theo luật pháp quốc tế, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu hiện đang rất bối rối vì toàn bộ cơ sở lý luận của EU cho đến nay đều xoay quanh quan điểm cho rằng Ukraine là một quốc gia không thể chê trách được trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề về bom chùm cho thế giới thấy rằng, trên thực tế, Kiev không vô tội như họ muốn mô tả. Điều này đặt các quốc gia EU vào thế khó xử và tước đi nhiều lập luận có lợi cho Ukraine, chuyên gia trên nhấn mạnh.
Theo ông Husson, phần lớn công dân EU ủng hộ việc giải quyết xung đột Ukraine tại bàn đàm phán.
"Hiểu rằng người dân không ủng hộ việc tiếp tục châm ngòi cho cuộc xung đột, chính quyền ở các nước EU bắt đầu nhận ra rằng công chúng coi cuộc xung đột là bất hợp pháp càng lâu thì càng khó duy trì chính sách ủng hộ Kiev của họ" – ông khẳng định.
Ngày 7/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng nước này đã quyết định gửi bom, đạn chùm tới Ukraine, bất chấp việc Liên Hợp Quốc phản đối việc sử dụng loại vũ khí này.
Ông cũng tuyên bố Kiev đã cung cấp cho Washington các đảm bảo bằng văn bản rằng vũ khí gây tranh cãi đó sẽ được sử dụng theo cách giảm thiểu rủi ro cho dân thường.
Hôm 6/7, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết rằng Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine một loại bom, đạn chùm được cho là ít gây rủi ro nhất cho dân thường.
Khi được kích nổ trong không trung, bom chùm sẽ phân tán hàng chục quả bom nhỏ trên diện tích hàng chục mét vuông. Nếu không phát nổ ngay lập tức, những quả bom nhỏ này sẽ gây ra mối đe dọa cho thường dân rất lâu sau khi bất kỳ cuộc xung đột nào kết thúc.
Công ước về bom, đạn chùm được ký kết năm 2008. Đến nay, 111 quốc gia đã tham gia, trong khi 12 quốc gia khác đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn.