Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) là ông Josep Borrell trong cuộc phỏng vấn với tờ El Pais của Tây Ban Nha đã thừa nhận cuộc phản công của Lực lượng vũ trang Ukraine không mang lại kết quả như mong muốn, khi quân đội Ukraine đã không đạt được bất cứ mục tiêu nào.
Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao này, sự thất bại của chiến dịch phản công của Lực lượng Vũ trang Ukraine không phải là lý do để ngăn cản sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev.
Borrell tuyên bố, ông không đồng ý với quan điểm cho rằng lực lượng Vũ trang Ukraine không thể giành chiến thắng trước Quân đội Nga, đồng thời gọi những ý kiến cho rằng sự hỗ trợ của phương Tây sẽ không duy trì được lâu là một sai lầm.
Theo nhà ngoại giao này, thay vì ép buộc Ukraine phải hòa giải với Nga, các nước Liên minh châu Âu EU cần tăng gấp đôi nỗ lực trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev.
Đặc biệt, ông Borrell kiến nghị các quốc gia châu Âu nên tăng cường đáng kể năng lực của tổ hợp công nghiệp-quốc phòng và phân bổ nhiều tiền hơn cho chi tiêu quân sự. Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy phương Tây chưa sẵn sàng cho kịch bản thời chiến, mà nó chỉ phù hợp cho thời bình.
Ông nói rằng, chi tiêu quốc phòng của các nước EU đã tăng 40% so với năm 2014, nhưng điều này là chưa đủ, vì Moscow đã cố gắng tăng thêm sản lượng quân sự của mình. Nhà ngoại giao này cho rằng, Liên minh châu Âu cần chiến thắng trong cuộc đua trước Nga.
Hôm 22/01, tờ Wall Street Journal đưa tin chính quyền EU đang xây dựng một kế hoạch mới nhằm phân bổ 20 tỷ euro cho Ukraine trong vòng 4 năm.
Vì mục đích này, người ta đề xuất thành lập một quỹ đặc biệt, trong đó 6,5 tỷ euro sẽ được đầu tư từ “Quỹ Hòa bình Châu Âu” và trong tương lai quỹ này sẽ được bổ sung thêm 5 tỷ euro hàng năm trong 4 năm.
Từ quỹ của Liên minh châu Âu, dự kiến sẽ bồi thường chi phí cho các nước EU trong việc mua vũ khí chung và một phần số tiền sẽ được sử dụng để chi trả cho việc huấn luyện quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của Liên minh Châu Âu đều có chung quan điểm với người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU.
Mới đây, chính phủ Hungary đã lên tiếng về việc giữ vững lập trường đối với Ukraine, không đóng góp kinh phí cho quỹ hỗ trợ Kiev; đồng thời, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cam kết phủ quyết các quyết định về tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Quan điểm chính thức của Bratislava là chỉ cung cấp hỗ trợ nhân đạo độc quyền cho nước này, và Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng ủng hộ việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO.
Bình luận về vấn đề này, tờ báo Tây Ban Nha El País hôm 228/01 cho rằng, EU đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính mới cho chính quyền Kiev.
Ấn phẩm tuyên bố rằng chính quyền EU đã nợ các nước tham gia hơn 7 tỷ euro tiền bồi thường cho vũ khí đã cung cấp cho Ukraine, nên nhiều quốc gia EU không mặn mà lắm với lời kêu gọi mới nhất của Liên minh châu Âu.