Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo El Pais của Tây Ban Nha hôm 20/11, Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell nói: “Cuộc tấn công ‘khủng khiếp’ hôm 7/10 của Hamas vào nhà nước Do Thái không biện minh cho ‘nỗi kinh hoàng’ gây ra cho dân thường ở Gaza.
Israel phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh thương vong cho dân thường khi nước này tiếp tục các cuộc tấn công trên không và trên bộ ở Gaza nhằm vào nhóm vũ trang Hamas của Palestine”.
Ông Borrell - người thừa nhận là "hơi thân Palestine" - đã nhắc lại rằng, trong khi ông lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel, "một nỗi kinh hoàng không biện minh cho một nỗi kinh hoàng khác", ám chỉ đến hành vi ném bom không ngừng nghỉ của Israel ở Dải Gaza.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết, ông đã nhắc nhở các quan chức Israel rằng, “chiến tranh có quy tắc của nó”, và “các vụ dội bom phải tính đến thương vong mà họ gây ra”, đồng thời nói với họ rằng, tình hình nhân đạo ở Gaza đang rất tồi tệ.
Sau cuộc tấn công của Hamas, Israel tuyên bố "bao vây toàn diện" khu vực này, và chỉ một số xe tải viện trợ nhân đạo được phép vào từ nước láng giềng Ai Cập.
Trong khi đó, ông Borrell bày tỏ sự không chắc chắn về tuyên bố của Israel rằng, các cuộc tấn công mạnh mẽ vào các tòa nhà ở Gaza nhằm phá hủy các đường hầm ẩn dưới lòng đất do Hamas xây dựng.
“Có, có, không, cá nhân tôi không biết. Họ nghi ngờ là như vậy”, ông nói với tờ báo.
Các quan chức Hamas đã nhiều lần xác nhận rằng, họ có một mạng lưới đường hầm rộng khắp ở Gaza, được cho là kéo dài đến tận Ai Cập, và nói rằng, mạng lưới này nhằm mục đích đối đầu với “sự chiếm đóng” của Israel.
Ông Borrell cũng nhấn mạnh rằng, xung đột giữa Israel và Hamas “không thể giải quyết bằng cuộc di cư hàng loạt của hơn hai triệu” người dân khỏi Gaza, và chỉ có giải pháp chính trị mới có cơ hội thành công.
“Nếu Israel muốn xây dựng hòa bình, họ không thể gieo thêm hận thù vào lúc này”, ông Borell nói, đồng thời lưu ý rằng, kết quả của cuộc xung đột phụ thuộc phần lớn vào việc liệu hai bên có thể đàm phán để giải thoát hơn 240 con tin do Hamas bắt giữ hay không.
Kể từ khi bắt đầu chiến sự vào ngày 7/10, EU đã thừa nhận quyền tự vệ của Israel nhưng ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn vì lý do nhân đạo.
Tuy nhiên, một số nước châu Âu - cũng như Mỹ, nước ủng hộ chính của Israel - đã miễn cưỡng thúc giục cả hai bên đồng ý ngừng bắn, với lý do lo ngại liệu một thỏa thuận như vậy có đảm bảo an ninh của đất nước trong tương lai hay không.