EU: Ảnh hưởng toàn cầu của Tổng thống Putin đang tăng lên

GD&TĐ -Người đứng đầu chính sách đối ngoại mới của EU là Kaja Kallas thừa nhận, ảnh hưởng của Tổng thống Nga trong các vấn đề toàn cầu đang ngày càng tăng.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại mới của EU, bà Kaja Kallas.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại mới của EU, bà Kaja Kallas.

Phát biểu với các phóng viên tại Kiev trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình vào ngày 1/12, người đứng đầu chính sách đối ngoại mới của Liên minh châu Âu (EU), Kaja Kallas, người đã từ chức Thủ tướng Estonia để đảm nhiệm vị trí tại EU, đã nhắc lại tuyên bố của bà rằng, khối này "muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga".

Bà Kallas nhấn mạnh rằng, việc cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn không phải là "viện trợ từ thiện" mà là đầu tư vào an ninh của EU.

Bà Kallas đã ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, và được biết đến với lập trường cứng rắn chống lại Moscow. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cũng khẳng định rằng, việc ủng hộ Ukraine là vì lợi ích của Mỹ.

“Nếu Mỹ lo lắng về Trung Quốc, thì họ nên lo lắng về Nga trước. Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc đang hợp tác với nhau”, bà Kallas nói, đồng thời thừa nhận rằng, bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga và nhà lãnh đạo của nước này, ảnh hưởng chính trị của Tổng thống Putin đang tăng lên.

"Và chúng ta cũng thấy ông Putin đang làm gì ở các quốc gia khác, thực sự gia tăng ảnh hưởng của ông ấy. Vì vậy, nếu Mỹ muốn trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới, cuối cùng họ sẽ phải đối phó với Liên bang Nga. Và cách dễ nhất để đối phó với điều này là hỗ trợ Ukraine để họ giành chiến thắng trong cuộc chiến", nhà ngoại giao hàng đầu của EU lưu ý.

Bà Kallas cũng không loại trừ khả năng gửi quân đội phương Tây tới Ukraine.

"Cho đến nay, cuộc thảo luận tập trung vào những quốc gia nào sẵn sàng gửi quân đến Ukraine và những quốc gia nào thì không. Tôi tin rằng, không có gì có thể bị loại trừ", người đứng đầu chính sách đối ngoại mới của EU kết luận.

Những bình luận này này được đưa ra khi Anh và Pháp vừa tái khởi động cuộc tranh luận về việc gửi quân tới Ukraine, theo một báo cáo gần đây trên tờ Le Monde.

Còn nhớ vào tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây tranh cãi khi từ chối loại trừ khả năng gửi lực lượng bộ binh "để ngăn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này".

Tuyên bố này của ông Macron đã nhanh chóng bị các quan chức NATO bác bỏ, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên rằng, những người ủng hộ phương Tây của Ukraine "nhất trí" phản đối ý tưởng này.

Nga từ lâu đã tuyên bố rằng, lực lượng đặc nhiệm phương Tây đã hoạt động ở Ukraine với tư cách là cố vấn quân sự và lính đánh thuê.

Tổng thống Putin vẫn luôn khẳng định rằng, việc triển khai quân đội NATO ở Ukraine không thể thay đổi tình hình trên chiến trường.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ