Chính phủ Ethiopia đang khuyến khích mỗi công dân trồng ít nhất 40 cây giống để giúp khôi phục lại cảnh quan đất nước.
Các chuyên gia cho rằng độ che phủ rừng đã bị giảm từ 35% tổng diện tích đất vào đầu thế kỷ 20 xuống còn hơn 4% vào những năm 2000.
Kế hoạch Di sản xanh đã chứng kiến hoạt động trồng cây diễn ra tại 1.000 điểm trên cả nước, một số văn phòng nhà nước thậm chí phải đóng cửa trong ngày để công chức trồng cây.
Thủ tướng Abiy Ahmed – người đứng đầu dự án này – đã trồng cây ở phía nam Ethiopia.
Hôm 29/7, Bộ trưởng Đổi mới và Công nghệ Ethiopia, tiến sĩ Getahun Mekuria, ước tính số cây trồng trong suốt cả ngày là 353 triệu cây. Nhân viên từ Liên hợp quốc và các đại sứ quán nước ngoài tại Ethiopia cũng tham gia dự án này.
Các quan chức được phân công đếm cây giống mà các tình nguyện viên trồng được. Theo đó, 2,6 tỉ cây đã được trồng.
Farm Africa – một tổ chức liên quan tới quản lý rừng ở Ethiopia – cho biết chưa đến 4% Ethiopia được rừng bao phủ, đây là mức suy giảm mạnh từ con số 30% vào cuối thế kỷ 19.
Dân số nước này cũng tăng lên hơn 100 triệu người, gấp 5 lần so với năm 1960. Mức tăng dân số cũng làm tăng nhu cầu về đất trồng trọt và gỗ, dẫn đến tình trạng phá rừng.
Hiện kỷ lục thế giới về trồng cây trong một ngày đang nằm trong tay Ấn Độ - nơi có 800.000 tình nguyện viên trồng 50 triệu cây vào năm 2016.