Cân nhắc mãi, cuối cùng Tuyến quyết định kết hôn với Vinh.
Thật ra Cường chẳng thua Vinh điểm nào, nhưng anh lại là con trưởng, trong khi trên Vinh còn một người anh trai. Dẫu sao, về làm dâu nhà Vinh, Tuyến sẽ không phải gánh vác ngôi vị dâu trưởng, điều đó cũng khiến mẹ Tuyến yên lòng.
Thế nhưng cuộc sống bên nhà chồng không hề êm ả như Tuyến nghĩ. 10 năm ở nhà chồng là từng ấy năm cô phải nếm trải đủ cung bậc cảm xúc. Thời gian đầu ngọt ngào bao nhiêu thì càng về sau cô càng thấy bức xúc, khó chịu bấy nhiêu.
Vinh là người chồng không chê vào đâu được, anh hết mực yêu thương Tuyến, nhưng có lẽ chính anh cũng không ngờ đến những tình huống dở khóc dở cười trong gia đình mình.
Tuyến về làm dâu được 2 năm thì mẹ chồng bị ung thư, bà ra đi quá nhanh, vừa để tang mẹ xong thì anh cả và chị dâu quyết định ra ở riêng. Họ sắm một mảnh đất ngay bên cạnh nhà bố mẹ đẻ, xây ngôi nhà tươm tất rồi ung dung hưởng thụ tổ ấm riêng, để lại cho Tuyến biết bao trách nhiệm còn dang dở.
Anh chị cả trở thành "trưởng giả", vợ chồng Tuyến nghiễm nhiên phải làm "thứ thiệt". Một năm có hàng chục cái giỗ, Tuyến phải lo toan hết mọi việc: Mời mọc họ hàng, lên danh sách các món ăn, chỉ đạo nấu nướng, phân phát lộc cho mọi người... Trong khi chị dâu cả chỉ nhận trách nhiệm "hỗ trợ một tay".
Trong lúc Tuyến tay năm tay mười làm không hết việc thì chị dâu cả chỉ biết mỗi việc "chỉ tay năm ngón".
Người ta bảo "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" quả không sai, anh cả cũng chẳng khá hơn chị dâu. Hễ gia đình có việc, anh phó mặc hết cho Vinh, đến giờ ăn cỗ mới thấy anh mò sang.
Bữa cỗ nào anh cũng uống say, khách khứa về hết, anh cả vẫn ngồi gác một chân lên ghế, gãi lưng sồn sột, cất giọng lè nhè: "Tính toán kiểu gì mà lần nào cũng ế cỗ, lần sau chú thím rút kinh nghiệm nhé!".
Tuyến đang rửa bát ngoài sân, nghe được câu đó mà tức ngùn ngụt, chưa kịp cãi thì Vinh đã xốc anh cả lên, dìu về nhà. Tưởng êm chuyện, chập tối anh lại mò sang kiếm cớ chọc tức em dâu: "Mỗi lần làm cỗ phải ế đến dăm mâm ấy nhỉ! Thôi thì nhà chú thím cứ bỏ tủ lạnh ăn dần, đỡ phải đi chợ".
Tuyến không nhịn được, bật lại một câu: "Bác tính nhầm thế nào ấy chứ, làm gì có chuyện thừa mâm. Thức ăn thừa thì có nhưng em cũng chia đều cho mọi người. May mà lúc chiều bác gái cũng lấy về 2/3 cỗ thừa, chứ nhà em có ăn được đâu".
Bị Tuyến "bóc mẽ", anh cả nổi giận đùng đùng: "Thím nói thế mà nghe được à, hàng xóm mà biết lại bảo nhà tôi ăn tham, lấy hết cỗ thừa của nhà cô chú".
Bố chồng Tuyến chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, ông xua tay: "Thôi thôi, không tranh cãi nữa, điếc tai lắm, thằng Phiến về nhà mày đi, khuya rồi".
Anh cả vẫn ngoan cố: "Sao ông lại đuổi con về? Đây cũng là nhà con cơ mà, bố định cho chú thím ấy hết cái nhà này à? Bố hành xử với con như thế là không được. Có phải thím ấy xui bố đuổi con về không?".
Tuyến không biết kiếp trước mình mắc nợ gì với anh chồng mà lúc nào anh ta cũng nhắm đến cô để xúc xiểm, mỉa mai. Vinh biết vợ khó chịu, khéo léo đỡ anh cả đứng dậy: "Em đưa bác về nhé". Anh cả càng được thể quát um lên: "Chú cũng bị thím ấy xỏ mũi rồi à? Chú có còn là đàn ông không".
Không ngày nào anh cả không mò sang nhà Tuyến kiếm chuyện. Quá bức xúc, Tuyến bàn với chồng: "Anh ơi, hay nhà mình bít kín ngách thông sang nhà anh cả. Ngày nào cũng nghe anh ấy lải nhải, em phát điên mất".
Vinh ngần ngừ: "Làm thế có sợ mất tình cảm anh em không?" Tuyến hết kiên nhẫn: "Tình cảm cái gì! Anh tưởng anh cả thương yêu anh lắm đấy hả?".
Nghe lời vợ, hôm sau Vinh mua gạch, xi măng rồi tự tay xây kín ngách thông 2 nhà. Quá may cho Vinh vì đúng ngày vợ chồng anh cả đi vắng. Tối đó không thấy anh cả mò sang, Tuyến thấy khỏe hẳn ra, định tắt đèn đi ngủ thì tiếng gắt gỏng ngoài cổng khiến cô buốt óc.
Thì ra anh cả đã phát hiện ngách đi tắt bị bít kín, anh ta đi vòng sang cổng chính, quát loạn: "Thím xúi thằng Vinh chia rẽ tình cảm anh em chúng tôi chứ gì? Thằng em tôi vô phúc mới lấy phải người vợ như thím".