Hình ảnh Kim Phúc 9 tuổi vừa khóc vừa chạy sau cuộc tấn công bằng bom napalm năm 1972 đã được nhiếp ảnh gia Nick Út ghi lại và trở thành minh chứng sống cho sự tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam. USA Today đưa tin, hơn 40 năm sau, người phụ nữ nay đã 52 tuổi cuối cùng cũng có cơ hội điều trị những vết bỏng.
Bà Phúc đã bay từ Canada đến Miami để gặp Jill Waibel - Bác sĩ da liễu chuyên chữa trị cho bệnh nhân bỏng bằng phương pháp laser. Đi cùng bà có chồng và cả Nick Út, người được bà gọi trìu mến là "bác Út".
Phương pháp laser được kỳ vọng sẽ giảm bớt những cơn đau và làm mềm đi các vết sẹo chằng chịt trên một phần ba cơ thể Phúc. "Trong suốt nhiều năm tôi đã nghĩ chỉ khi lên thiên đường mình mới không còn sẹo và đau đớn" - Bà chia sẻ. Waibel nhận định phải rất may mắn "em bé napalm" mới còn sống sót khi bị bỏng nặng đến vậy.
"Khi còn nhỏ tôi rất thích trèo cây, như khỉ ấy. Tôi chọn những quả ổi ngon nhất và hái xuống cho bạn bè. - Bà Phúc kể lại - Sau khi bị bỏng, tôi không bao giờ còn có thể trèo cây hay chơi với bạn bè như trước. Thật sự rất khó khăn". Hơn 4 thập kỷ trôi qua, bà vẫn bị các cơn đau hành hạ, đặc biệt vào thời điểm giao mùa ở Canada.
Bà Phúc hy vọng những vết sẹo cùng sự đau đớn sẽ biến mất sau khi điều trị. Ảnh: Nick Út/AP. |
Bác sĩ Waibel cho rằng bà Phúc sẽ cần đến 7 đợt điều trị trong vòng 8-9 tháng tới, mỗi lần tiêu tốn từ 1.500 đến 2.000 USD. Waibel sẵn sàng thực hiện miễn phí cho "em bé" năm xưa. Bố vợ của vị bác sĩ đã nghe Phúc nói chuyện tại một nhà thờ và vô cùng xúc động.
Trong buổi chữa trị đầu tiên tại phòng khám của Waibel, Phúc nắm tay chồng để cầu nguyện. Bà miêu tả cơn đau của mình là "10 trên 10", "điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ".
Một vài tuần sau, các vết sẹo đỏ lên và rất ngứa, nhưng bà Phúc cho biết mình sẽ tiếp tục. "Có lẽ phải mất đến một năm, nhưng tôi rất vui mừng và biết ơn" - Bà nói.