"Trâm à! Có cơ hội được gặp những con người như cậu, tớ học được một điều cực kỳ quan trọng, rằng cuộc sống này thật sự rất đáng sống.
Lúc bác sĩ sản giải thích vì tuổi thai còn khá nhỏ nên khả năng cứu bé chỉ là 10%, nghe cậu nói, thực sự tớ không cầm lòng được mà ứa nước mắt:
"Nếu không mổ ra thì mất cả mẹ lẫn con. Đến giờ phút này, em đã rất cố gắng nên chỉ mong sao các bác sĩ bằng mọi cách cứu lấy cháu. Còn sinh ra có sống được hay không là tùy vào số phận của cháu".
Cậu biết không? Lúc nghe thấy cháu khóc tiếng đầu tiên, một bé trai mạnh mẽ, tớ vừa mừng, vừa thương, rồi lại thấy tội cho cả hai mẹ con cậu quá. Ca mổ xong, ra hậu phẫu, cậu thiếp đi ngay.
Có lẽ, đây sẽ là ca mổ hy hữu ở viện tớ, cậu sẽ là bệnh nhân tớ nhớ nhất. Cậu cũng sẽ là người xa lạ tớ thương và thầm cảm phục nhất.
Bé con à, mẹ con đã rất cố gắng vì con đấy có biết không? Giờ mẹ con mệt rồi nên con phải cố gắng cho cả phần của mẹ sau này nữa.
Không chỉ có bố mẹ, ông bà con đâu, mà còn nhiều người là các cô, các bác ở viện đang hy vọng vào con lắm. Phải sống và thật kiên cường đấy nhé!".
Bé Gấu đến với cuộc sống bằng sự hy sinh của người mẹ dũng cảm. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Đó là những lời tâm sự đầy xúc động trên trang cá nhân của Cẩm Tú - điều dưỡng viên đang công tác tại bệnh viện K Trung ương, thuộc kíp điều dưỡng chăm sóc trực tiếp cho Đậu Thị Huyền Trâm, người từ chối điều trị ung thư để nhường sự sống cho con vừa qua đời ngày 27/7.
Hình ảnh chồng của Huyền Trâm - cha bé Gấu - siết chặt đôi bàn tay, nước mắt chảy ròng khi tiễn đưa vợ khiến những người tham dự đám tang nữ thiếu úy không khỏi nghẹn ngào.
Bên di thể người bạn đời, anh cất lời hứa bằng giọng khàn đặc: "Em yên tâm an nghỉ, anh sẽ chăm sóc và nuôi dạy con chúng ta thành người".
Cậu bé 1,2 kg tiếp tục cuộc chiến thay mẹ
Xót xa trước sự ra đi của Huyền Trâm, nhưng hơn tất cả, những người ở lại hy vọng bé Gấu sẽ sống khỏe mạnh và kiên cường, xứng đáng với sự hy sinh của mẹ.
Ca sinh nở của nữ thiếu úy được các bác sĩ đầu ngành gọi là “hy hữu”, do phải huy động 20 bác sĩ sản khoa giỏi nhất. Còn bệnh nhân sinh mổ trong tư thế ngồi, khi tâm thức còn tỉnh táo. Ngay sau đó, em bé được đưa ngay vào lồng ấp, chuyển tới Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Lê Minh Trác - phó giám đốc Trung tâm, người trực tiếp theo dõi và điều trị cho bé Gấu - cho biết, tình hình của bé đang rất khả quan. Em ăn uống được, tình trạng nhiễm trùng bị khống chế, suy hô hấp đã giảm.
"Trước đây vài ngày, con phải thở máy, nhưng một tuần trở lại đã tự thở được oxy. Lúc mới chào đời, con chưa thể ăn, hiện tại ăn được 100-110 ml/ ngày.
Cứ tiếp tục thế này, trong vòng 5-6 ngày tới, con có thể ăn được 160-180 ml/ngày. Như vậy là đạt tiêu chuẩn cho cân nặng của con", bác sĩ Trác nói.
Nam bác sĩ dự đoán, 20-25 ngày nữa, cân nặng bé sẽ trở về bằng lúc chào đời. Em cũng được ra viện trong 2,5-3 tháng tới, theo thời gian thông thường dành cho bé sinh non.
Chị Hiền - điều dưỡng viên của Trung tâm, người chăm sóc hàng ngày cho bé - tiết lộ, Gấu hiện có những tiến triển tương đối tốt, ăn được, không trớ.
Nữ điều dưỡng khẳng định, bằng kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc trẻ, có những trường hợp sinh non khi ra đời chỉ nặng 500-600 g vẫn phát triển hoàn thiện, ra viện khỏe mạnh, lớn lên theo kịp các bé sinh ra bằng phương pháp thường về cả sức lực và trí tuệ.
Từ giờ trở đi, cậu bé sẽ tiếp tục cố gắng thay cho phần của mẹ mình. Ảnh: Hoàng Hiệp.
"Chiến binh tí hon" được các bác sĩ yêu quý
Một ngày của Gấu bắt đầu bằng việc vệ sinh tổng thể, kiểm tra da dẻ, cân nặng, thay tã. Em được ăn 8 lần/ngày, đặt thuốc và theo dõi các chỉ số sinh tồn liên tục.
Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh dành 4 kíp trực thay phiên nhau và trực tiếp các kíp trưởng sẽ chú ý đến bé.
Chị Hiền tâm sự, Gấu là trường hợp đặc biệt của Trung tâm vì em không còn mẹ. Nhưng em rất kiên cường, y như mẹ Huyền Trâm.
"Cũng là mẹ nên tôi hiểu, một đứa trẻ sinh ra không có mẹ thiệt thòi như thế nào? Chính vì vậy, tất cả bác sĩ ở đây đều cố gắng chăm sóc con. Không mong gì hơn ngoài việc con khỏe mạnh, cuộc sống sau này được bù đắp bằng thật nhiều tình yêu thương của cha, gia đình và người thân", chị Hiền nói.
Nữ điều dưỡng viên cho hay, những người đang theo sát Gấu xác định, do điều kiện tiếp xúc, cơ hội chăm bẵm và trò chuyện với mẹ ít hơn các bé khác, nên em nhận được nhiều sự ưu ái hơn.
"Chúng tôi dành thời gian vỗ về, âu yếm con mỗi lần thay bỉm, nằm thuốc, tắm khô. Sáng nay, khi tôi trò chuyện, hình như con có nghe thấy và hiểu được tình cảm của mọi người dành cho con. Tôi tin rằng, từ nơi xa xôi, con sẽ hiểu được mong ước của mẹ Trâm", chị Hiền kể.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi - giám đốc Trung tâm, người lên phác đồ chăm sóc Gấu - cho hay, mỗi ngày trôi qua là một ngày em phải chiến đấu để sống sót.
"Các bác sĩ lo thắt lòng trước tình trạng của con. Liệu có biến chứng gì không, sức khỏe con có tốt lên không, phải làm gì để giúp con? Chúng tôi mong đến ngày được trao con mạnh khỏe cho gia đình", bác sĩ Lợi chia sẻ.