Chị Nguyễn Thị Ngọc ở Long Biên, Hà Nội, kể lại chiều tối 30/9, bé Na, 15 tháng tuổi cùng hai bé nữa chơi với nhau ở phòng ngoài cùng bố. Lúc đó, chồng chị đang chuẩn bị đồ ăn trong bếp, tiện tay liền cắt cho mỗi chị em một miếng dưa chuột để tụi nhỏ vừa ăn vừa chơi ngoan.
Chỉ khoảng 2 phút sau, anh quay lại thì đã thấy bé Na bị hóc, cả cơ thể tím đen, liền hô hoán cả nhà.
Bé Na được bác sĩ khám tại Bệnh viện sau khi hóc dị vật tại nhà hôm 30/9. |
"Mặc dù tôi đã đọc rất nhiều sách và biết rõ cách xử lý hóc cho trẻ, khi đó tôi sợ hãi tới mức không còn đủ bản lĩnh để thực hiện cho con mình", chị Ngọc kể lại. Chị cho biết, lúc ấy, một người thân trong gia đình là cô giáo mầm non đã kịp thời vỗ mạnh 2 cái giúp miếng dưa chuột to như ngón tay cái văng mạnh ra khỏi miệng bé Na.
Tuy nhiên, sau đó thấy con vẫn thở gấp, miệng không ngậm lại được, vợ chồng chị Ngọc tức tốc đưa bé vào bệnh viện.
Tại đây, các bác sĩ xác định, đường thở của bé Na vẫn bị vướng bởi đờm và bã các miếng dưa chuột nhỏ. "Năm phút sau mặt con hồng hào trở lại, bắt đầu ê a cười thì tôi mới hoàn hồn", chị Ngọc cho biết.
Sau khi cấp cứu cho con tại bệnh viện về, chị Ngọc mới bình tĩnh chụp lại miếng dưa chuột văng khỏi miệng con lúc trước. |
Người mẹ 28 tuổi chia sẻ, đây là bài học nhớ đời của gia đình và chị muốn viết lại để cảnh báo thói quen rất nhiều gia đình khác mắc phải: tiện tay đưa đồ cho con ăn. Bài viết tối 30/9 trên trang cá nhân của chị đã thu hút nhiều bình luận và gần 5.000 lượt chia sẻ.
"Tôi chỉ mong các bố mẹ và mọi người trong gia đình khi cho con ăn, nhất là ăn dặm kiểu tự chỉ huy - để bé tự bốc, ăn đồ thô - thì để con ngồi vào bàn, tập trung quan sát con. Đừng bao giờ tiện cái gì là đưa cho con ăn, nhất là khi bé đang chơi, đùa. Lúc nào con cũng cần trong tầm kiểm soát của người lớn vì mọi việc diễn ra rất nhanh nên không thể chủ quan", chị Ngọc nói.
Bác sĩ Lê Bá Tuấn, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết, vừa ăn vừa chơi là tình cảnh dễ khiến trẻ bị hóc dị vật. Nếu thấy con bỗng ho sặc sụa hay tím tái cần bình tình xử trí:
- Với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực: Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái mình, dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
+ Với trẻ trên 2 tuổi thì để cho trẻ đứng. Người sơ cứu ở phía sau, choàng 2 tay ra phía trước. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên cho đến khi dị vật văng ra.
Bác sĩ cho biết, cần tuyệt đối tránh lấy tay móc dị vật ra vì có thể đẩy vào sâu bên trong, khiến tình trạng nguy hiểm thêm.