Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin
Những năm học vừa qua, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, quản trị nhà trường. Riêng về kế hoạch bài dạy, cùng với việc triển khai cho giáo viên thiết kế giáo án điện tử, công tác duyệt online cũng được trường tiến hành song song.
Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Những năm học trước, trường cho phép giáo viên lưu kế hoạch bài dạy trong máy tính cá nhân. Tổ trưởng chuyên môn sẽ kiểm tra và góp ý cho giáo viên hàng tuần, sau đó tập hợp file gửi email về ban giám hiệu để duyệt chứ không yêu cầu in bản giấy.
Năm học 2020 - 2021, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thay đổi hình thức này thông qua ứng dụng Google Drive. Kế hoạch bài dạy của giáo viên sẽ được đẩy lên và tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu sẽ duyệt trực tuyến.
Cũng theo cô Mai Hương, nhà trường không yêu cầu giáo viên soạn bài dạy quá chi tiết. Chỉ yêu cầu có đầy đủ mục tiêu bài dạy với các nội dung phát triển năng lực và phẩm chất chung, phát triển năng lực đặc thù của môn học. Giáo viên chỉ cần thiết kế ngắn gọn trình tự và các hoạt động chính của bài học, không viết dài và quá chi tiết, vì cần dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động dạy học thực tế và tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh trên lớp.
Song song với đó, nhà trường cũng giao cho tổ trưởng tổ chuyên môn tập hợp, kiểm tra và có những kế hoạch bài dạy trước khi chuyển lên để ban giám hiệu duyệt trực tiếp trên ứng dụng.
“Việc ứng dụng tối đa CNTT vào việc duyệt kế hoạch bài dạy giúp tiết kiệm chi phí in ấn, có thể kiểm tra, duyệt mọi lúc mọi nơi với thiết bị thông minh, thuận tiện cho công tác lưu trữ. Ngoài ra, duyệt kế hoạch bài dạy online cũng như số hóa hồ sơ sổ sách cũng giúp giáo viên giảm đi những thủ tục hồ sơ sổ sách, để họ dành thời gian cho đầu tư các hoạt động giảng dạy, quan tâm hơn tới HS”, cô Mai Hương nhấn mạnh.
Tại Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng cho hay: Trước đây, mặc dù GV lên kế hoạch bài dạy điện tử, nhưng công đoạn duyệt vẫn phải yêu cầu GV in ra và nộp lên để phê duyệt. Năm học 2019 -2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc tiến hành tập huấn dạy học online cho GV, triển khai dạy học trực tuyến cho toàn thể HS, ban giám hiệu nhà trường đã thống nhất thực hiện việc duyệt kế hoạch bài dạy điện tử.
Theo đó, nhà trường mua tài khoản của Microsoft và cấp cho mỗi GV một địa chỉ email. GV sẽ gửi kế hoạch bài dạy điện tử trực tuyến để tổ trưởng tổ chuyên môn và ban giám hiệu duyệt. Theo thầy Khánh, so với việc in ấn bản giấy cách làm này tiết kiệm chi phí, thời gian và rất thuận lợi trong công tác quản trị, quản lý hồ sơ sổ sách. Lãnh đạo có thể duyệt, kiểm ra, theo dõi kế hoạch bài dạy ở bất cứ nơi nào với thao tác đơn giản.
Cần đồng bộ
Bên cạnh những trường đi đầu thực hiện duyệt kế hoạch bài dạy điện tử, không ít cơ sở giáo dục tại TPHCM hiện vẫn chưa đồng bộ trong số hóa hồ sơ sổ sách khi một số nơi GV vẫn in bản giấy nộp. Vấn đề số hóa hồ sơ sổ sách trong đó có giáo án của GV giao cho các trường quyết định với tinh thần khuyến khích chứ không bắt buộc… nên nhiều nơi vẫn theo mô tuýp cũ sử dụng bản giấy.
Theo thầy Vũ Hoàng Sơn, Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, GV phải thực hiện nhiều loại sổ sách như sổ hội họp, sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, giáo án, học bạ… Chính vì vậy, việc thực hiện số hóa hồ sơ sổ sách sẽ lợi trăm bề, giảm được rất nhiều thời gian cho GV để tập trung vào nhiệm vụ chính là giảng dạy. Tuy nhiên, việc này tùy vào từng đơn vị, chưa đồng nhất.
Đơn cử như những năm qua GV thực hiện hồ sơ sổ sách điện tử trong đó có kế hoạch bài dạy điện tử nhưng vẫn phải in ra đóng thành cuốn, như vậy khá tốn kém tiền công in ấn, thời gian điều chỉnh. Khi in giấy, nếu cần điều chỉnh bổ sung, GV phải in lại. Trong lúc đó nếu duyệt điện tử, chỉ cần thao tác đơn giản là GV có thể điều chỉnh ngay trên máy, upload… và khi điều chỉnh bổ sung ở đâu đều được thể hiện trên file.
Nhằm thực hiện số hóa hồ sơ sổ sách điện tử, Sở GD&ĐT TPHCM đã ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử ở các cơ sở GD tiểu học. Theo đó, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy, bảo đảm công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.
Việc sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy là khuyến khích không bắt buộc, tùy theo nguyện vọng của cán bộ quản lý và GV. Hồ sơ sổ sách điện tử được tạo ra bằng các ứng dụng văn phòng thông dụng, được lưu trữ thuận tiện bằng nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng yêu cầu tra cứu, chia sẻ, kiểm tra nhanh vào mọi thời điểm…
Với kế hoạch bài dạy, cuối mỗi bài dạy cần có mục “rút kinh nghiệm” để cập nhật các nội dung cần thiết sau tiết dạy. Việc lưu trữ hồ sơ sổ sách có thể lựa chọn nhiều giải pháp khác nhau, bảo đảm việc khai thác nhanh chóng, tiện lợi, vào mọi thời gian, địa điểm luôn bảo đảm có khả năng dự phòng.
Thầy Vũ Hoàng Sơn cho rằng, quy định mới này giúp GV giảm chi phí, công sức, thời gian khi thực hiện các loại hồ sơ sổ sách. GV cũng có thể có những trao đổi, chia sẻ, tham khảo với nhau để có những điều chỉnh phù hợp thông qua nền tảng CNTT. Việc đồng bộ trong soạn và duyệt giáo án điện tử chính là việc bắt kịp xu thế ngày nay.