Duy trì và phát triển vững chắc công tác xóa mù chữ ở Quảng Bình

GD&TĐ - Việc tập trung, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ được tỉnh Quảng Bình xác định có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xóa mù chữ ở Quảng Bình phát triển vững chắc. (Ảnh: CTV)
Công tác xóa mù chữ ở Quảng Bình phát triển vững chắc. (Ảnh: CTV)

Tăng cường xóa mù chữ cho vùng kinh tế khó khăn

Tỉnh Quảng Bình đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ vào tháng 5/1996, từ đó đến nay, công tác xóa mù chữ vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển vững chắc.

Tính đến năm 2023, Quảng Bình đã hoàn thành vượt mức 0,29% chỉ tiêu huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp 1; 0,2% chỉ tiêu tỉ lệ lưu ban và bỏ học ở tiểu học; 0,12% học sinh lưu ban và 0,1% học sinh bỏ học ở bậc trung học cơ sở.

Công tác xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỉ lệ người tái mù chữ ở người lớn được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Ban Chỉ đạo các cấp đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, ngành GD&ĐT ở địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Hằng năm, ngành GD&ĐT hướng dẫn, chỉ đạo điều tra, thống kê đối tượng người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu mở các lớp học xóa mù chữ để giảm số người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi, đặc biệt, tập trung ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lựa chọn hình thức tổ chức lớp học phù hợp, nội dung hấp dẫn, thiết thực nhằm giúp người mới học có cơ hội được tiếp xúc thường xuyên, hạn chế tái mù chữ.

Tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, Câu lạc bộ học tập cộng đồng.

Đến nay, 151/151 đơn vị cấp xã, 8/8 đơn vị cấp huyện ở Quảng Bình đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 với các tiêu chí cụ thể: tỷ lệ người độ tuổi 15-25 biết chữ mức 1 đạt 99,97%; tỷ lệ người độ tuổi 15-25 biết chữ mức 2 đạt 99,96%; tỷ lệ người độ tuổi 15-35 biết chữ mức 1 đạt 99,91%; tỷ lệ người độ tuổi 15-35 biết chữ mức 2 đạt 99,85%; tỷ lệ người độ tuổi 15-60 biết chữ mức 1 đạt 99,64%; tỷ lệ người độ tuổi 15-60 biết chữ mức 2 đạt 99,13%.

Quảng Bình cũng đặt ra mục tiêu hết năm 2023, tỷ lệ người độ tuổi 15-25 biết chữ mức 1 đạt 99,98%; tỷ lệ người độ tuổi 15-25 biết chữ mức 2 đạt 99,97%; tỷ lệ người độ tuổi 15-35 biết chữ mức 1 đạt 99,92%; tỷ lệ người độ tuổi 15-35 biết chữ mức 2 đạt 99,86%; tỷ lệ người độ tuổi 15-60 biết chữ mức 1 đạt 99,65%; tỷ lệ người độ tuổi 15-60 biết chữ mức 2 đạt 99,14%.

Phát huy vai trò các tổ chức trong công tác xóa mù chữ

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình xác định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ điều tra, nắm vững số lượng người mù chữ để có biện pháp phù hợp nhằm duy trì và có giải pháp xóa mù chữ. Huy động tối đa trẻ, học sinh đến lớp; mở lớp dạy chương trình dạy xóa mù chữ. Tiến hành kiểm tra công nhận đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ.

Việc quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho công tác xóa mù chữ ở các vùng kinh tế khó khăn được tỉnh Quảng Bình chú trọng. (Ảnh: CTV)

Việc quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho công tác xóa mù chữ ở các vùng kinh tế khó khăn được tỉnh Quảng Bình chú trọng. (Ảnh: CTV)

Giải pháp được tỉnh Quảng Bình đưa ra là kiện toàn Ban chỉ đạo xóa mù chữ từ tỉnh đến các, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tra, rà soát đối tượng, cập nhật chính xác số liệu; có biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng xóa mù chữ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác xóa mù chữ.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, đối với công tác xóa mù chữ là duy trì mức độ 2. Tỉnh Quảng Bình xác định đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác xóa mù chữ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc xóa mù chữ.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cùng với ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác xóa mù chữ. Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn, hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên.

Đầu tư, tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học, bậc học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đầu tư kinh phí hỗ trợ nơi ăn, ở cho học sinh ở những xã đặc biệt khó khăn theo hình thức lớp hoặc cụm lớp “Bán trú dân nuôi”. Có chính sách phù hợp cho những người làm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ