Theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới với giáo dục dân tộc của Bộ GD&ĐT, các cấp quản lí và cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) cần tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động tối đa trẻ em, học sinh đi học, đồng thời có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học phù hợp điều kiện địa phương.
Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng về chất lượng, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS của địa phương từ mầm non đến phổ thông, trên cơ sở đó, tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp thực tế để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS, góp phần bảo đảm công bằng trong giáo dục và rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền.
Cùng với duy trì số lượng, nâng cao chất lượng là phát triển quy mô, mạng lưới và nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT); nâng cao chất lượng giáo dục của các trường dự bị đại học; bảo đảm chất lượng dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số...
Các Sở GD&ĐT chủ động bố trí, sắp xếp hợp lí đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các trường PTDTNT, PTDTBT. Bổ sung giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết với giáo dục dân tộc cho các trường PTDTNT, PTDTBT.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, cần tiếp tục tổ chức và quản lí tốt việc dạy học tiếng DTTS cho học sinh và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ sở giáo dục theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ở vùng DTTS, miền núi.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành đối với giáo dục dân tộc; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dạy, người học và cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, miền núi...